Bác sĩ Liêu Kiến Nam khoa Y học Gia đình tại Bệnh viện Kou Đài Loan tiếp nhận một nữ bệnh nhân 81 tuổi, có tiền sử đột quỵ, sỏi bàng quang, nhiễm trùng đường tiểu và táo bón. Bà được bác sĩ đặt ống thông mũi dạ dày và ống thông tiểu. Khoảng một thời gian sau đó, gia đình phát hiện ra nước tiểu của bà có màu tím nên đã vội vã đưa đi khám.
Túi nước tiểu có màu tím kỳ lạ.
Sau khi thăm khám, bác sĩ khuyên bệnh nhân nên uống 2 lít nước và 2 viên nam việt quất mỗi ngày đồng thời vệ sinh sạch sẽ sau khi tiểu tiện hoặc đại tiện.
Bác sĩ cũng tư vấn cho người nhà rằng, túi đựng nước tiểu của bệnh nhân nên treo cạnh giường, không để dưới đất, không cao hơn bàng quang, kiểm tra ống thông tiểu hằng ngày xem có bị tắc nghẽn hay không. Cuối cùng, sau 1 tháng tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, nước tiểu của bệnh nhân đã có màu bình thường.
Hội chứng nước tiểu màu tím là gì?
Thuật ngữ hội chứng nước tiểu màu tím (PUBS), lần đầu tiên được công bố bởi Barlow và Dickson vào năm 1978, đề cập đến sự đổi màu sắc nước tiểu. Đây là tình trạng rất hiếm gặp trên lâm sàng, thường gây ra áp lực và căng thẳng cho người chăm sóc và nhân viên y tế.
Sau khi đặt ống thông tiểu một thời gian sẽ xuất hiện tình trạng nước tiểu có sắc tố lạ. Màu sắc có thể là đỏ, xanh lam, tím, ống thông nước tiểu và túi lấy nước tiểu đôi khi có các màu khác nhau. Màu sẽ đậm dần theo thời gian, mùi nước tiểu ngày càng nồng nặc.
Hội chứng này thường xảy ra ở bệnh nhân bị suy giảm khả năng vận động.
Trong những trường hợp có liên quan, hội chứng túi nước tiểu màu tím có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Hội chứng này thường xảy ra ở bệnh nhân được chăm sóc trong thời gian dài tại bệnh viện hoặc ở nhà, liên quan tới tình trạng bệnh suy giảm khả năng vận động, nằm liệt trên giường, táo bón mãn tính, sử dụng thuốc lâu và sử dụng ống thông tiểu.
Cơ chế hình thành của hội chứng nước tiểu màu tím vẫn chưa được xác nhận chính xác. Hiện nay, nó được cho là có liên quan đến con đường chuyển hóa của tryptophan (một axit amin thiết yếu).
Tryptophan trong ruột sẽ được vi khuẩn đường ruột chuyển hóa thành indol, sau đó vận chuyển qua hệ tuần hoàn ở gan, chuyển hóa thành indoxyl sulphat rồi bài tiết ra nước tiểu. Vi khuẩn có chứa phosphatase hoặc sulfatase trong nước tiểu phân hủy thành màu chàm rồi cuối cùng chuyển hoá thành isatin màu đỏ và màu xanh lam trong môi trường kiềm.
Nguyên nhân phổ biến của hội chứng túi nước tiểu màu tím
Một số nguyên nhân có thể là do nước tiểu có tính kiềm, đặt ống thông tiểu trong thời gian dài khiến vi khuẩn xuất hiện, chất liệu của ống thông, táo bón mãn tính, vấn đề vệ sinh. Ngoài ra còn phải kể đến một số yếu tố liên quan khác như:
- Tuổi tác
Nguy cơ mắc hội chứng túi nước tiểu màu tím tăng lên theo tuổi.
- Mất nước
Mất nước ngoài việc nồng độ oxyindigo sulfat trong nước tiểu tăng, nó cũng làm tăng nồng độ vi khuẩn trong nước tiểu do lượng nước tiểu quá ít.
- Ăn thực phẩm giàu tryptophan
Chuối và các sản phẩm pho mát có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng túi nước tiểu màu tím ở nhóm nguy cơ cao.
Hội chứng túi nước tiểu màu tím chủ yếu xảy ra trong các phương pháp chăm sóc sức khoẻ bệnh nhân dài hạn, hiếm gặp trên thực tế lâm sàng và tỷ lệ hiện mắc chưa được xác định rõ.
Hiện nay, người ta cho rằng hội chứng túi nước tiểu tím là một tình trạng lành tính, ngoài nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn. Không thể khẳng định rằng hội chứng túi nước tiểu tím ảnh hưởng đến tiên lượng sức khoẻ của bệnh nhân.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bệnh nhân có hội chứng nước tiểu màu tím thường có nguy cơ cao bị suy giảm chức năng miễn dịch và nhiễm trùng nặng, nên việc hướng dẫn người nhà đánh giá và phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu là rất quan trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận