Theo thông tin mới nhất, chiều 15/7 Bộ Công an đã tổ chức nghiệm thu, chính thức đưa vào sử dụng quần thể tượng đài lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) đặt tại khu vực Công viên Thống Nhất (TP.Hà Nội).
Cụm tượng đài có 7 nhân vật, gồm 2 chiến sĩ CSGT, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH, một phụ nữ lớn tuổi và một em nhỏ. Ngoài ra, cụm tượng đài còn có biểu tượng cột đèn tín hiệu giao thông và ngọn lửa
Được biết, tác phẩm này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2022).
Trước đó, quần thể tượng đài này nhận về một số ý kiến trái chiều. Trong đó, một số hoạ sĩ, kiến trúc sư cho rằng cụm tượng chưa đảm bảo tính thẩm mỹ và "không truyền tải được thông điệp gì".
Không thể lựa chọn cách điệu
Chia sẻ về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật (HĐNT) của cụm tượng đài này khẳng định, đây là một bài toán khó.
Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên lực lượng công an nhân dân làm một công trình tượng đài vinh danh các chiến sĩ. Theo ông Đoàn, không thể lựa chọn cách điệu, mà phải ngôn ngữ hiện thực cổ điển để phản ánh, từ trang phục, sắc phục, thần thái... nên không thể so sánh với ngôn ngữ điêu khắc đương đại.
“Việc xử lý ngôn ngữ điêu khắc, hình khối trong tổng thể không gian cũng được thực hiện nhằm tạo sự gần gũi này. Toàn bộ cụm tượng có độ cao vừa phải, các hình khối tượng được phác họa giản dị, nhằm tôn vinh hình tượng những chiến sĩ luôn hy sinh thầm lặng vì Tổ quốc, vì nhân dân”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho hay.
Đồng quan điểm, họa sĩ Vi Kiến Thành – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam là thành viên của HĐNT thừa nhận khi đã chọn thủ pháp tả thực sẽ khó tránh được việc người ta cho là minh hoạ, mô phỏng hiện thực cuộc sống.
Việc mô phỏng và đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm nghệ thuật có thể không phải là giải pháp hấp dẫn đối với những người am hiểu về nghệ thuật, nhưng đây lại là phương pháp dễ tiếp cận nhất với đại chúng.
"Nếu để diễn tả hình ảnh các chiến sĩ bằng cách khác phức tạp hơn sẽ lại có nhược điểm khiến đại chúng không hiểu được hết. Mong muốn của Bộ Công an khi dựng nên cụm tượng đài này thể hiện sự gần dân - vì dân của lực lượng CSGT, PCCC là mong muốn rất thiện chí và tốt đẹp của ngành công an.
Chúng ta cũng nên nhìn tác phẩm này để hiểu người ta hướng đến đối tượng đại chúng, chứ đừng soi chiếu nó dưới góc độ cảm thụ nghệ thuật", ông Thành bày tỏ.
Vị trí đặt tượng đài đã được tính toán
Trước đó, họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng; họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam đều cho rằng vị trí đặt quần thể tượng đài không hợp lý.
Cụm tượng đài được dựng tại vị trí giáp với bức tường bao của Công viên Thống Nhất, đoạn gần ngã ba giao nhau giữa phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tượng đài được dựng sát với tường bao của công viên Thống Nhất tại ngã ba phố Trần Nhân Tông và phố Quang Trung.
Họa sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Dũng cho rằng, tác phẩm đặt tại ngã ba Trần Nhân Tông - Quang Trung, mặt tượng hướng về phố Quang Trung. Nhưng đây là đường một chiều, như vậy, tác phẩm lại đặt ở sau lưng người đi đường là thiếu thẩm mỹ.
Còn họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận xét, cụm tượng đài còn làm hỏng cả cảnh quan cây xanh của công viên phía sau.
Chia sẻ về vấn đề này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói rằng, vị trí đặt tượng đã được tính toán, xin ý kiến Hà Nội và các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch đô thị.
Ngoài ra, ngành công an muốn chọn điểm giao Trần Nhân Tông- Quang Trung đặt tượng đài để tạo điểm nhấn cho một quảng trường. Đây là nơi là nơi tổ chức các sự kiện của ngành sau này. Khu vực này cũng đã được thành phố quy hoạch thành phố đi bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận