Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam (dài 550 km đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa). Trong đó, đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài 43km, khi hoàn thành giúp việc di chuyển, lưu thông hàng hóa tới các tỉnh lân cận nhanh chóng, thuận tiện.
Tại công trường, nhiều thiết bị máy móc được tập trung, hàng trăm cán bộ công nhân kỹ thuật Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh khẩn trương hoàn thiện các hạng mục của công trình.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Tiển, công nhân Công ty Phương Anh - nhà thầu dự án cho biết: "Mặc dù những ngày Tết đến, ai cũng muốn về quê sắm sửa, sum vầy cùng gia đình nhưng toàn thể công nhân viên, cán bộ kỹ thuật đang cố gắng để hoàn thành tiến độ đã đề ra".
Clip: Nhà thầu đang tập trung máy móc trang thiết bị, nhân lực thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Anh Phạm Quang Cường, kỹ sư phụ trách xây dựng công trình vượt sông Hồng cho hay, cầu sông Hồng có chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m, tổng mức vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng.
Đây là cây cầu bắc qua sông Hồng nối liền hai huyện Tiền Hải của Thái Bình và Giao Thủy của Nam Định. Đến nay, dự án đã thi công đạt khoảng trên 80% khối lượng. Trong đó, thi công hoàn thành các hạng mục cọc khoan nhồi, 2/2 mố cầu và 26/28 trụ cầu; 115/115 phiến dầm, trong đó lao lắp được 80/115 phiến; đang tiến hành thi công đốt K0 nhịp chính.
Hiện tại, công trình đang bước vào giai đoạn quan trọng, đơn vị thi công đang tập trung vào xây dựng các hạng mục như trụ cầu, đúc hẫng cân bằng nhịp cầu chính giữa sông.
"Đến thời điểm này công trình cầu sông Hồng đã đạt trên 80% khối lượng, hoàn thành việc đúc hẫng cân bằng 1/4 trụ cầu. Chúng tôi đang phấn đấu đến dịp 30/4/2024, nếu thời tiết thuận lợi sẽ cơ bản hợp long và thông tuyến kỹ thuật cầu sông Hồng, đảm bảo tiến độ của toàn dự án", anh Cường thông tin.
Với dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình, ông Vũ Mạnh Hùng, Chỉ huy trưởng dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình cho hay, xác định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trong khu vực, hình thành trục đường giao thông chính ven biển để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mà còn củng cố quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của Khu kinh tế Thái Bình nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Do đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công dự án nhưng cán bộ, kỹ sư giám sát công trình, công nhân... rất tự hào được đem sức lực của mình xây dựng các công trình, góp phần tạo cảnh quan, diện mạo đổi mới của quê hương.
Theo ông Hùng, dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có tổng chiều dài trên 43km, ngoài 9km đã bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1; đoạn còn lại trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài trên 34km, đến nay đã thi công khuôn, nền đường, cống qua đường được trên 25km; còn một số đoạn tuyến đang thi công xử lý nền đất yếu.
Các hạng mục cầu trên tuyến như: cầu sông Sinh, cầu Diêm Điền, cầu Trà Lý, cầu Dừa, cầu Sơn Thọ, cầu Lân 1, cầu Lân 2... đã cơ bản hoàn thành.
Để đảm bảo tiến độ của dự án, nhà thầu đã tập trung toàn bộ thiết bị, máy móc và trên 400 cán bộ kỹ thuật, công nhân tổ chức làm 3 ca, 4 kíp cả ngày lẫn đêm và dịp nghỉ tết Dương lịch 2024.
"Đến thời điểm hiện tại, trên toàn tuyến, các hạng mục về cầu cống đã đạt được trên 90% tiến độ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khắc phục khó khăn, tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thành toàn tuyến", ông Hùng nói.
Sau khi dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam hoàn thành và đi vào hoạt động, với vị trí chiến lược, phía Bắc giáp các vùng kinh tế tiềm lực như Quảng Ninh, Hải Phòng, phía Nam giáp với Thanh Hóa, Nam Định... Thái Bình sẽ tận dụng được triệt để các lợi về giao thương khi tuyến đường ven biển hoàn thành, trở thành cầu nối liên kết giao thông hành lang ven biển giữa các tỉnh.
Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long (Quảng Ninh) còn 90 phút thay vì 2,5 giờ như trước đây, đến sân bay Vân Đồn chỉ 150 phút và và cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận