Thời sự

Hội nghị ASEM: Biến thách thức thành cơ hội

19/06/2018, 14:53

Thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.

pho-tt-phat-bieu-chi-dao-tai-hoi-nghi

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Lê An

Phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó BĐKH nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - định hướng tương lai” diễn ra vào sáng 19/6, tại Cần Thơ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, ở cấp độ quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.

BĐKH và những tổn thất

Trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH.

Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.

Cũng trong thời gian này, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã không ngừng xảy ra như: rét đậm, rét hại, băng giá tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (tháng 01/2015); triều cường tại các tỉnh Nam Bộ (tháng 11/2014); hạn hán tại các tỉnh miền Trung (tháng 6/2015); và gần đây nhất là mưa lũ lịch sử tại Quảng Ninh và các tỉnh miền Bắc (tháng 7/2015) gây thiệt hại nặng nề đến cơ sở hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân.

Được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, ĐBSCL cũng đã hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thì khu vực ĐBSCL sẽ ngập chìm từ 19 - 38% nếu mực nước biển dâng thêm 1m. Trong điều kiện đó, 24,7% diện tích đất tự nhiên của Cần Thơ bị ngập, tương đương 758km2; nặng nề nhất trong khu vực, tỉnh Bến Tre có đến 50,1% diện tích đất bị ngập, tương đương 1.131km2.

sạt lở ô môn sáng 21-5. 0

Một vụ sạt lở xảy ra vào ngày 21/5 tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ

Dưới tác động của BĐKH, toàn vùng ĐBSCL hiện có tới 406 điểm sạt lở, dài 891 km. Riêng tỉnh Cà Mau, mỗi năm, nước biển dâng, bờ biển tỉnh này bị sạt lở khoảng 450 ha. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở vào sát chân đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân.

Nghiêm trọng hơn, những năm gần đây, khu vực này còn phải đối diện với hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, bao phủ và lấn sâu vào nội đồng. Từ cuối năm 2015 đến nay, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiếu nước khoảng 210.000ha, khoảng 250.000 hộ gia đình với hơn 1,3 triệu người thiếu nước sinh hoạt; trung bình vùng ĐBSCL đã bị tụt giảm lượng nước ngầm xuống 15m…

Trước thực trạng trên, tháng 9/2017, cũng tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì “Hội Nghị Diên Hồng” về BĐKH vùng ĐBSCL. Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Thách thức thành cơ hội phát triển

Hội nghị ASEM lần này là sáng kiến do Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề xuất, được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 13 (Mianma, 11/2017). 

Hội nghị nhằm thể hiện vai trò tiên phong của ASEM trong đóng góp vào nỗ lực quốc tế hiện thực hóa các cam kết về BĐKH và phát triển bền vững, thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về BĐKH. Bên cạnh đó là thúc đẩy đối thoại và hợp tác Á - Âu về ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, tăng cường quan hệ đối tác nhiều bên - nhân tố quan trọng cho triển khai thành công Chương trình nghị sự 2030 và Thỏa thuận Paris.

cac-dai-bieyu-chup-anh-luu-niem

Hội nghị là cơ hội thúc đẩy đối thoại và hợp tác Á - Âu về ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê An

Thông qua đó còn thể hiện đóng góp có ý nghĩa của Việt Nam cho nỗ lực toàn cầu nói chung, hợp tác ASEM nói riêng, nhất là tham gia đề xuất hướng hợp tác ASEM trong ứng phó với BĐKH vì phát triển bền vững, phát huy vị thế của ta trong ASEM. Tạo điều kiện để 13 tỉnh ĐBSCL, các bộ, ban ngành, viện nghiên cứu nước ta kết nối, mở rộng hợp tác quốc tế với các chuyên gia hàng đầu thế giới và hai châu lục về BĐKH, tranh thủ hỗ trợ, nhất là từ các thành viên phát triển cho các chương trình hợp tác ứng phó BĐKH, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị: cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững. Các sáng kiến, dự án hợp tác về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… Ở cấp độ quốc gia, ứng phó biến đổi khí hậu cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.

Bên cạnh đó, thành viên trong ASEM cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương.

chu-tich-ubndtp-gioi-thieu-mo-hinh-rau-thuy-canh

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ giới thiệu với Phó Thủ tướng Chính Phủ Phạm Bình Minh về mô hình rau thủy canh. Ảnh: Lê An

Đối với những nước thành viên đang đối mặt với những thách thức gay gắt từ BĐKH, các thành viên phát triển trong ASEM cần có các biện pháp hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, nặng lượng tái tạo,… cho các đại phương này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.