Chính trị

Hội nghị Trung ương 14: Đánh giá tác động khi tham gia TPP

11/01/2016, 14:10

Hội nghị Trung ương 14 sẽ phân tích, đánh giá tác động tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

hoi-nghi-trung-uong-14-tpp
Hội nghị Trung ương 14 khai mạc sáng 11/1. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng 11/4, sau lễ khai mạc Hội nghị Trung ương 14, các đại biểu đã bước vào thảo luận, thông qua chủ trương ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua nước ta đã chủ động, tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển.

Tại Hội nghị Trung ương 13 (tháng 12/2015), theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã có Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định TPP trình Trung ương nghiên cứu. Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương về việc chuẩn bị ký kết Hiệp định TPP để Trung ương xem xét, quyết định.

Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về kết quả đàm phán; phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP; nêu rõ những tác động tổng thể cũng như cụ thể về chính trị và an ninh quốc gia, những thuận lợi và thời cơ, các khó khăn và thách thức; những vấn đề đặt ra liên quan đến điều chỉnh pháp luật, chính sách, biện pháp như nêu trong Báo cáo và Tờ trình của Bộ Chính trị.

Hội nghị Trung ương 14 cũng cho chủ trương về việc chính thức ký kết Hiệp định; chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực thi Hiệp định.

Trước đó, sau hơn 5 năm đàm phán với 30 phiên làm việc cấp chuyên gia và hơn 10 cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng, ngày 5/10/2015, Việt Nam và 11 nước châu Á-Thái Bình Dương khác đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có yêu cầu cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết trước đây, có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, bao gồm không chỉ các vấn đề về thương mại và đầu tư mà còn nhiều vấn đề liên quan, như lao động-công đoàn; môi trường; doanh nghiệp Nhà nước; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ… Đây được xem là một hiệp định mà các nước tham gia, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.