Chuyện dọc đường

Hội nghị T.Ư 7 bàn cải cách tiền lương: Nhiều đột phá

08/05/2018, 10:01

Việc cải cách tiền lương Hội nghị trung ương đang bàn thảo có đem lại mức lương đủ sống, khuyến khích lao động?

6

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII - Ảnh: TTXVN

Với cách tính lương hiện nay, đa số người lao động rất khó hiểu vì phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp nhiều loại khác nhau. Còn theo Đề án Cải cách tiền lương đang trình Hội nghị Trung ương 7 thì sẽ chuyển sang cách tính giá trị tuyệt đối, nghĩa là lương bao nhiêu là biết bấy nhiêu, không phải nhân hệ số.

Như vậy, tiền lương trả cho người lao động sẽ gồm phần cứng chiếm ít nhất 70% mức tổng thu nhập của người lao động. Còn tiền phụ cấp như trước đây phân ra thành 20 loại nay còn lại 3 nhóm thì chỉ chiếm 30% để người lao động thấy rằng, “tiền lương đích thực là tiền lương”. Tiền lương này được trả theo số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc.

Với khu vực hành chính sự nghiệp, lần cải cách này sẽ có 2 bảng lương. Một bảng lương được tính theo chức vụ, vị trí việc làm chứ không theo thâm niên như hiện nay theo kiểu “sống lâu lên lão làng”. Tuy nhiên, nếu người đó tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì được tăng thêm 10% phụ cấp.

Việc thống nhất một bảng lương, trả lương theo vị trí việc làm là một cách tạo ra sự công bằng lương trong khu vực hành chính sự nghiệp. Cái hay lần này là trong tổng quỹ tiền lương dành cho khu vực hành chính, ngoài 70% là lương phần cứng, 30% là các khoản phụ cấp có tính chất lương thì còn được tối đa 10% tính trên quỹ tiền lương được trích ra để làm quỹ tiền thưởng cho người lao động. Như vậy, người nào làm việc có năng suất, hiệu quả, có cống hiến sẽ được thưởng từ quỹ thưởng đó. Ngoài ra, còn được nhận các danh hiệu như chiến sĩ thi đua, xếp loại tốt hay được đề bạt, bổ nhiệm...

Muốn cải cách tiền lương, đầu tiên phải cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm tối đa những dịch vụ công mà lâu nay vẫn phải trả lương từ ngân sách. Bản chất của việc điều chỉnh tăng lương công chức, viên chức là phải tinh giản bộ máy để sắp xếp đúng người đúng việc. Nếu làm được điều này sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu suất, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

Bùi Sỹ Lợi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.