Khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở vừa được khởi công
Phận người sau giông bão
Nhiều tháng qua, điểm trường nóc Ông Lục trở thành nơi tá túc của hơn chục hộ dân mất nhà và người thân trong trận sạt lở ngày 28/10/2020.
Ở một góc nhỏ, chị Hồ Thị Kim (30 tuổi) loay hoay nhóm bếp, chuẩn bị bữa cơm tối cho anh trai Hồ Văn Đông và đứa cháu mới 4 tuổi. Vợ anh Đông gặp nạn trong vụ sạt lở, mất tích từ đó đến nay. Ngày ngày, anh Đông ra hiện trường ngóng tin vợ rồi thẫn thờ trở về như người mất hồn.
Giữa căn phòng tại điểm trường, con trai anh Đông đẩy chiếc xe đồ chơi chạy quanh. Cậu bé còn quá nhỏ để biết rằng mẹ còn đang nằm lạnh lẽo đâu đó ngoài kia. “Sợ nhất là buổi tối, cháu cứ khóc hỏi mẹ đi đâu chưa về”, chị Kim nghẹn ngào.
Những lúc như thế, cô cháu lại ôm nhau khóc. Đến sáng, để cháu tạm quên nỗi nhớ mẹ, chị Kim lại sửa soạn áo quần rồi bế cháu sang căn phòng bên cạnh để cô giáo dạy chữ.
Ngoài việc làm nơi tá túc cho các hộ dân, địa phương cũng dành một căn phòng khá rộng làm nơi dạy học cho 25 cháu nhỏ đang độ tuổi mẫu giáo.
“Ở lớp có 3 bé mất người thân khi mới 4 tuổi. Lên lớp thì không sao, cứ tan học về phòng ở lại hỏi cha đâu, mẹ đâu. Không biết phải trả lời các cháu thế nào…”, cô Thương bộc bạch.
Các cháu bé mất nhà và người thân trong vụ sạt lở được thầy cô chăm sóc, tạm thờ sống tại điểm trường nóc Ông Lục
Sau mấy mươi năm làm giàu nhờ cây quế, ông Nguyễn Thành Sơn làm được căn nhà khang trang nhưng chỉ sau một đêm, sạt lở đã cướp đi của ông người vợ và gia tài cả đời tích góp.
Gắng gượng qua nỗi đau, người đàn ông tuổi ngũ tuần trở thành chỗ dựa cho 4 đứa con. Hai cô con gái Nguyễn Thị Xuân Quý (lớp 12) và Nguyễn Thị Xuân Quyền (lớp 9) từng gục khóc bên mộ mẹ, có ý định bỏ học được bố động viên trở lại trường. “Giờ thì gây dựng lại từ đầu. Tôi mà gục ngã thì con cái biết nương tựa vào ai”, ông Sơn chia sẻ.
Những ngày này, mẹ con chị Hồ Thị Bông tá túc tại điểm trường nóc Ông Lục cùng những người dân thôn 1, xã Trà Leng. Người dân kể, cứ đến đêm, khi con ngủ, chị Bông lại tìm một góc ngồi khóc thương chồng là ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng vẫn còn mất tích trong vụ sạt lở.
Nhà chị Bông vốn thuộc diện khá trong vùng bởi trồng cây quế từ nhiều năm nay. Không ngờ mưa lũ, sạt lở đã cuốn đi cả căn nhà cùng vườn quế lâu năm, cuốn đi cả người chồng vốn là cán bộ hết lòng vì dân, được bà con thương yêu. Nén nỗi đau, ngày ngày chị Bông lên chăm lo cho vườn ươm cây quế giống mà hai vợ chồng gây dựng bao năm, gắng gượng chăm lo cho con cái ăn học.
Hồi sinh làng cũ
Những đứa trẻ mất nhà, người thân được thầy cô chăm sóc, động viên tiếp tục học hành
Trận sạt lở hôm 28/10/2020 chưa phải là thảm họa sạt lở kinh hoàng nhất từng xảy ra tại Trà Leng. Cách đây 56 năm, một vụ sạt lở khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của gần 100 người dân, chỉ còn 5, 6 người chạy thoát.
Sau đại nạn đó, họ phải rời đi, tìm nơi ở mới.
Những ngày này, bùn đất sạt lở tại nóc Ông Đề đã được gạt ra, lộ phần nền đất cũ với nham nhở những móng nhà còn sót lại. Ông Hồ Văn Đề (77 tuổi) lội bùn tìm đến nương cũ, nơi mộ của 3 người con đang được xây cất. Ông Đề chính là người lập ra ngôi làng này và cái tên nóc Ông Đề có là vì thế. Hôm xảy ra sạt lở, ông Đề mất đến 8 người thân.
Kể về lịch sử lập làng, ông Đề nhớ lại, khoảng năm 1997, vì nơi ở cũ đất chật người đông nên ông băng rừng tìm vùng đất mới để lập nóc. Thấy dải đất có con suối nhỏ chảy qua với địa thế đẹp, thuận lợi làm ăn, ông đưa con cháu đến lập làng mới.
“Từ xa xưa, chỗ này tập trung đông người đến buôn bán, thương lái người Tàu cũng dừng lại đây lập lán trại, mang trâu, bò, mắm muối, đường đen, dao rựa… đổi lấy quế Trà My. Bao hy vọng mảnh đất mới sẽ mang lại bình an cho con cháu nhưng rồi mất hết”, ông Đề nói.
Ám ảnh bởi sạt lở nên khi nghe chính quyền địa phương chọn đất mới để lập làng, ông Đề lập tức nhờ người chở đến để xem. Nhìn mảnh đất bằng phẳng, ông có phần yên tâm nhưng vẫn lo sợ cảnh bên núi, bên sông. Bởi theo ông, mảnh đất trước đây ông chọn dựng nóc cũng vậy. Có ai ngờ đâu!
Cuối tháng 12/2020, chính quyền huyện Nam Trà My khởi công khu tái định cư tại thôn 2 (xã Trà Dơn) cho những gia đình gặp nạn trong trận sạt lở tại nóc Ông Đề.
Chỉ tay vào bản vẽ quy hoạch tổng thể khu tái định cư, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng nói: “Khó có thể tìm được vị trí an toàn tuyệt đối. Bởi địa hình ở Nam Trà My vốn dĩ rất phức tạp. Địa điểm xây dựng khu tái định cư mới được đánh giá là an toàn nhất trong số những điểm đã khảo sát. Các hạn chế sẽ dần được khắc phục”.
Khu vực eo sông Leng uốn lượn qua làng mới khiến nhiều người lo sợ xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương cho hay sẽ nghiên cứu làm kè kiên cố. Trong thời gian tới, sau khi ổn định nơi ở cho bà con, ngành chức năng sẽ tính đến việc san phẳng quả đồi bên cạnh để tránh nguy cơ sạt lở. Phần đất này sẽ được đổ ra phía mép sông để lấy thêm quỹ đất công cộng.
Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, ngay sau khi thi công xong mặt bằng sẽ tập trung đầu tư hạ tầng dân sinh như điện, nước sinh hoạt, đường giao thông... để bà con tại khu tái định cư sớm ổn định cuộc sống.
Theo ông Mẫn, khu tái định cư mới có 81 lô đất, mỗi lô rộng 200m2 bố trí cho bà con thôn 1 và thôn 2, xã Trà Leng. Trong đó, 51 lô đất được phân cho 51 hộ dân bị hư hỏng nhà toàn bộ hoặc ở nơi nguy cơ sạt lở cao đến tái định cư, 30 lô còn lại dự phòng cho các tình huống sau này.
“Mỗi hộ được xây dựng một căn nhà sàn, bê tông cốt thép kiên cố trị giá 150 triệu đồng/căn từ ngân sách Nhà nước và nguồn ủng hộ của mạnh thường quân trên cả nước”, ông Mẫn nói và cho biết, với tiến độ hiện tại, bà con sẽ có nhà trước Tết. Nguồn tiền còn thiếu sẽ bổ sung sau.
Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho hay, hiện tại người dân vùng sạt lở vẫn canh tác ở vùng nương rẫy cũ (thiệt hại không đáng kể trong đợt lũ lụt) với các loại cây chủ đạo như quế, lúa rẫy và cây ăn quả. “Người dân vẫn di chuyển từ khu tái định cư mới về nương rẫy trước đây để canh tác, sản xuất. Nơi xa thì họ dựng chòi canh rẫy, vài ngày mới về”, ông Cường cho hay.
Chúng tôi ghé lại điểm trường nóc Ông Lục lúc trời đã quá trưa. Trong căn phòng nhỏ văng vẳng tiếng ê a đánh vần của những đứa trẻ. Mất mẹ, vắng cha nhưng ánh mắt trong veo của đám trẻ như xua tan đi lạnh lẽo của một vùng đất nghèo, hoang tàn.
Vụ sạt lở đã làm cả thôn 1 thiệt hại nặng nề, nhưng vẫn không ngăn được những bước chân của các em đến trường. Cô Hồ Lê Hồng Thủy, Phụ trách điểm trường nóc Ông Lục chia sẻ: “Thầy cô ở đây bám bản, bám trường lớp, vận động từng gia đình đưa con trẻ trở lại trường. Hi vọng ngày mai sẽ tươi sáng hơn với những đứa trẻ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, khốn khó…”.
Cuối tháng 10/2020, sau cơn bão số 9, tại các xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) xảy ra các trận sạt lở kinh hoàng khiến hàng chục người chết và mất tích.
Tại huyện Nam Trà My, chính quyền địa phương đang gấp rút xây dựng khu tái định cư nhằm tái thiết cuộc sống của người dân sau thảm họa. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã yêu cầu địa phương phải làm ngay nhà ở cho các hộ mất nhà cửa mà không chờ đến khi mặt bằng xong mới dựng nhà. Tổ chức nhân công làm ngày đêm, đảm bảo kế hoạch đưa các hộ dân về ở trước thời điểm Tết Nguyên đán 2021.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận