Chuyện dọc đường

Hỏi thẳng, đáp rõ ràng

21/10/2016, 04:44

ĐBQH đại diện cho nhân dân và cử tri, nên những vấn đề cử tri quan tâm thì phải có ý kiến.

hop-quoc-hoi

Khai mạc kỳ họp Quốc hội (ảnh minh họa)

 Ví dụ, gần đây nổi lên vấn đề đổi mới kỳ thi tốt nghiệp năm 2017 trên cơ sở đánh giá kết quả kỳ thi năm 2016, hay vấn đề về nợ công, tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sự cố môi trường biển và hoạt động của Formosa… Nếu các cử tri đặt ra vấn đề thì chắc chắn ĐBQH sẽ quan tâm và có ý kiến, còn cuối cùng chọn vấn đề cụ thể nào thì ĐBQH sẽ được gửi phiếu xin ý kiến, vấn đề thuộc lĩnh vực của bộ, ngành nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó phải trả lời chất vấn.

Về chất lượng câu hỏi chất vấn của các ĐBQH và cách thức trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành hay các thành viên Chính phủ do khuôn khổ thời gian có hạn, nên câu hỏi cần nêu ngắn gọn, đảm bảo trọng tâm nhưng cũng phải tiết kiệm thời gian tối đa; Thành viên Chính phủ trả lời cũng phải rõ ràng, không quanh co, đi thẳng vào băn khoăn, khúc mắc mà ĐBQH đặt ra.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn cũng cần tập trung hơn vào kiểm điểm những lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành từ khoá trước, nhiệm kỳ trước để so sánh xem cho đến thời điểm hiện tại, lời hứa ấy có được thực hiện đúng không, từ đó tiếp tục truy trách nhiệm nếu lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành không được thực hiện. Nếu làm khắt khe chỗ này, hiệu quả phiên chất vấn chắc chắn sẽ cao hơn.

Công tác giám sát của Quốc hội thông qua chất vấn, trả lời chất vấn của thành viên Chính phủ trong khóa Quốc hội XIII vừa qua có kết quả rất tốt, điều này cần phát huy trong nhiệm kỳ này và phát huy hơn nữa kết quả thực tiễn của hoạt động này, vì đây cũng là nhiệm kỳ của Chính phủ mới.

Việc giám sát của Quốc hội phải làm sao thực sự thúc đẩy chức năng nhiệm vụ của Chính phủ, các thành viên Chính phủ chất vấn, trả lời chất vấn phát huy giá trị thực tiễn cao hơn. Tôi cũng mong Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thực hiện công tác này và có những đổi mới để hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn hiệu quả hơn nữa.

Một vấn đề nữa là để đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật tại kỳ họp Quốc hội lần này, các cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị kỹ việc soạn thảo theo đúng quy trình để gửi cho các cơ quan thẩm tra, đảm bảo đủ thời gian, điều kiện thẩm tra. Tài liệu gửi cho các ĐBQH cũng cần chủ động gửi sớm để ĐBQH có thời gian nghiên cứu, đóng góp sâu tại các phiên họp ở hội trường hay trong các phiên thảo luận tổ. Chúng ta có sức ép về việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng phải đảm bảo cân đối giữa số lượng và chất lượng luật.

Phạm Tất Thắng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.