Tổng thống Barack Obama đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Hôm qua (16/2, theo giờ Việt Nam) tại Trung tâm Hội nghị Sunnylands, bang California (Hoa Kỳ), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ chính thức khai mạc. Hôm nay, ngày làm việc thứ hai, hội nghị sẽ thảo luận về tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông.
Sự ủng hộ với chiến lược xoay trục
Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại với trọng tâm là triển khai TPP - hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao có sự tham gia của 4 nước thành viên ASEAN gồm Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Một số nước khác trong ASEAN đã bày tỏ muốn tham gia TPP và Nhà Trắng cũng mong muốn hiệp định này tiếp tục được các nước thành viên phê chuẩn theo đúng kế hoạch.
Tại phiên khai mạc, Tổng thống Barack Obama cùng các nhà lãnh đạo ASEAN thảo luận về chủ đề: “Thúc đẩy thịnh vượng khu vực theo hướng phát huy tinh thần kinh doanh và sáng tạo”. Ông Obama khẳng định, Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình và mong muốn cùng với các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là một thành viên tích cực, trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đóng góp vì Cộng đồng ASEAN và sự phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị thời gian tới hai bên triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác đã thỏa thuận, nhất là Kế hoạch hành động ASEAN - Hoa Kỳ giai đoạn 2016 - 2020, gia tăng các hoạt động hợp tác, đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tri thức, công nghệ giữa các doanh nghiệp ASEAN và Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo, năng động, nâng cao năng lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và phát triển bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đề xuất thành lập một Trung tâm ASEAN-Hoa Kỳ về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt tại Việt Nam nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo, sự kết nối của các doanh nghiệp ASEAN.
Hoa Kỳ - Việt Nam đồng quan điểm các vấn đề trên biển
Hôm nay, ngày làm việc thứ hai, hội nghị sẽ thảo luận về tự do và an ninh hàng hải ở biển Đông. Trước đó, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao tại cuộc gặp riêng giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Obama, ngày 16/2, hai bên bày tỏ quan điểm nhất trí về các vấn đề trên biển.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam rất quan ngại trước tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa thực sự hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không do những hành động đơn phương bồi đắp quy mô lớn các đảo chiếm đóng trái phép và xây dựng trên quy mô lớn các đảo nhân tạo từ những cấu trúc nửa nổi nửa chìm, làm thay đổi nguyên trạng, kể cả việc tăng cường quân sự hóa dưới các hình thức khác nhau.
Thủ tướng đề nghị Hoa Kỳ có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động làm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo nhân tạo với quy mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hóa ở biển Đông; Tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), sớm thỏa thuận thực chất Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông COC.
Về phần mình, Tổng thống Obama khẳng định, Hoa Kỳ lo ngại về tình hình biển Đông và ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực ngoại giao và tiến trình pháp lý nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và DOC.
Nhận định về điều này, Giáo sư Kevin G. Nealer, một chuyên gia về Trung Quốc của Scowcroft Group có trụ sở tại Washington cho rằng: “Những nỗ lực thúc đẩy quan hệ với ASEAN của Mỹ đã được đáp lại bằng chính thực tế trong quan hệ với các nước trong khu vực. Đó là lý do Mỹ có thể sẽ hành động hơn nữa để hỗ trợ ASEAN trong việc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.
Tháng 5, Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Barack Obama có cuộc hội kiến riêng gần 40 phút, trao đổi về quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama thông báo sẽ thăm chính thức Việt Nam vào tháng 5, với mong muốn tìm hiểu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; Đồng thời, trao đổi về những biện pháp cụ thể nhằm duy trì đà tích cực của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện giữa hai bên. Tại cuộc hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ra một số vấn đề; Trong đó: Các bên cần khẩn trương hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo quy định của từng nước; Đề nghị Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và kéo dài thời gian từ 18 tháng lên 3 - 4 năm để Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi các biện pháp quản lý nhằm đáp ứng những quy định liên quan trong Luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá tra, ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ; Dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương; Hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, hỗ trợ kỹ thuật cho lực lượng cảnh sát biển. Tổng thống Obama bày tỏ nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Việt Nam đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp cho từng vấn đề nhằm tăng cường lòng tin, hiểu biết lẫn nhau và làm sâu sắc, thực chất hơn quan hệ đối tác hợp tác toàn diện. Tổng thống Obama bày tỏ hài lòng và cho rằng cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất thành công. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận