Hồ sơ tài liệu

Hôm nay, Mỹ - Philippines tập trận trên biển Đông

20/04/2015, 06:15

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng xây dựng trên biển Đông.

111

Binh sỹ Mỹ, Philippines trong cuộc tập trận Balikatan 2014

Tăng gấp đôi binh sỹ

Hôm nay (20/4), tổng cộng 12 nghìn binh sỹ Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung Balikatan (Vai kề vai) kéo dài 10 ngày. Đây là cuộc tập trận chung thường niên, tuy nhiên, số lượng binh sỹ tham gia lần này đông gấp đôi năm ngoái, thể hiện sợi dây liên kết quân sự ngày một chặt chẽ giữa hai nước, dấu hiệu cho thấy hai nước đang mở rộng quan hệ đối tác chiến lược.

12 nghìn binh sỹ nói trên sẽ tập trận đổ bộ cách 220 km bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) mà Manila khẳng định chủ quyền, nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc từ năm 2012.

Mỹ và Philippines ký hiệp ước phòng thủ từ năm 1951; đến 2014, hai nước ký thêm một hiệp ước khác cho phép gia tăng số lượng lính Mỹ ở Philippines. Hiện, hiệp ước này đang đợi Tòa án tối cao phê chuẩn.

Theo các chuyên gia, động thái này cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động gây nhiều tranh cãi trên biển Đông. Philippines đang rất cần được Mỹ ủng hộ ngoại giao, quân sự trước những hành động khẳng định chủ quyền trên những vùng biển có tranh chấp - đang bị các nước trong khu vực phản đối.

Tổng thống Philippines Begnino Aquino tuyên bố: Cho dù cuộc tập trận không nhắm vào bất cứ một đối tượng cụ thể nào; nhưng quân đội hai nước Mỹ - Philippines cùng kề vai tác chiến sẽ tạo ra một tác động răn đe đối với bất cứ thực thể nào, cho dù đó là một quốc gia hay là các thành phần Hồi giáo cực đoan, theo AFP. Trả lời AFP, ông Aquino cảnh báo thế giới nên lo ngại về những động thái của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian gần đây. Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Obama cũng quan ngại việc Trung Quốc lợi dụng vị thế nước lớn và tiềm lực của mình để o ép các nước khác.

Trung Quốc đangphá hoại hệ sinh thái

Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Deutsche Welle của Đức ngày 18/4, Chuyên gia về chính sách môi trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Giáo sư David Rosenberg đến từ trường ĐH Quốc gia Australia nhận định: Động thái đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa sẽ gây ra hậu quả không nhỏ về môi trường sinh thái ở biển Đông. Trước mắt, thiệt hại đối với môi trường rất lớn, bởi hệ sinh thái khu vực và các rạn san hô (nền tảng của hệ sinh thái đại dương, không gian sống của hàng nghìn sinh vật biển và những loài cá, tôm đặc biệt quý hiếm) bị phá hủy do việc hút cát và xây dựng bê tông. Còn về lâu dài, cho dù chưa có những đánh giá cụ thể nhưng chắc chắn rất nghiêm trọng.

Giáo sư Rosenberg cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh rất tham vọng, nhằm củng cố các đảo đang chiếm giữ và mở rộng kiểm soát các khu vực trên biển Đông. Động thái này, ngoài việc củng cố trên thực tế “đường 9 đoạn” - đang bị dư luận quốc tế phản đối, còn nhắm đến lợi ích về thủy sản, tuyến đường hàng hải cùng tài nguyên dầu khí. Trung Quốc cũng không do dự trong việc sử dụng tàu quân sự để bảo vệ, hộ tống cho ngư dân. Do đó, các bên liên quan cần theo dõi sát các kế hoạch xây dựng của nước này trên biển.

Hôm qua, theo tờ Indian Express, những hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc thúc đẩy nhanh chóng việc xây dựng một đường băng cho mục đích quân sự trong khu vực tranh chấp tại quần đảo Trường Sa ở biển Đông; và có thể đang có một kế hoạch khác, khiến Mỹ và châu Á lo ngại. Trước đó, những hình ảnh vệ tinh do Hãng “Airbus Defence&Space” cung cấp cũng cho thấy Trung Quốc đang mở rộng một đường băng khác tại quần đảo Hoàng Sa.

Những động thái của Trung Quốc cũng được Ngoại trưởng các cường quốc G7 quan ngại trong Hội nghị hồi tuần trước: Chỉ có thể chống lại các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải nếu có một cách tiếp cận mang tính hợp tác, phối hợp trên cơ sở pháp luật và điều phối hành động giữa các quốc gia, các khu vực và toàn cầu. Phản đối mọi hành động đơn phương, như khai mở đất quy mô lớn, làm thay đổi hiện trạng và gây căng thẳng cho khu vực, ủng hộ mạnh mẽ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.