Ngày 15/9, lãnh đạo UBND thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, thành phố đã có phương án về việc tu bổ di tích đồng đồng hồ Thái Dương (còn gọi đồng hồ đá), nằm trên đường 30/4 (phường 3, thành phố Bạc Liêu).
Tu bổ phù hợp với kết cấu hiện trạng
Theo UBND thành phố Bạc Liêu, việc lựa chọn phương án tu bổ đồng hồ đá rất quan trọng, phù hợp với quy mô, kết cấu hiện trạng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, bền vững, cũng như tiết kiệm chi phí.
"Một phương án được thành phố Bạc Liêu đưa ra, đó là phục chế đồng hồ đá theo hiện trạng, chất liệu bằng đất nung (phục hồi vị trí các giờ đã bị mục hỏng); gia cố đế móng bằng bê tông cốt thép.
Đồng thời, bố trí hệ thống chiếu sáng nghệ thuật lên đồng hồ; chống ngập úng; trồng hoa, cây cảnh, cắt tỉa cây xanh để có ánh nắng chiếu vào đồng hồ…", lãnh đạo thành phố Bạc Liêu thông tin.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn bộ dự án là hơn 1,1 tỷ đồng. Trong đó, phần tu bổ chiếc đồng hồ đá khoảng 700 triệu đồng.
"Nguồn vốn tu bổ từ xã hội hóa, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023-2024", lãnh đạo UBND thành phố Bạc Liêu cho hay.
Lãnh đạo UBND TP Bạc Liêu cũng chia sẻ, tuổi thọ đồng hồ đã trên 100 tuổi. Qua thời gian dài, chịu ảnh hưởng mưa nắng nên vật liệu làm đồng hồ bị bào mòn, bong tróc, có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
"Việc tu bổ đồng hồ đá rất cần thiết, cấp bách nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, tạo mỹ quan, thu hút khách du lịch…", vị lãnh đạo này thông tin.
Đang xuống cấp nghiêm trọng
Đồng hồ Thái Dương (còn gọi là đồng hồ đá) do ông Lưu Văn Lang (còn gọi bác Vật Lang, 1880-1969, là kỹ sư ngành công chánh đầu tiên của Nam bộ được đào tạo ở Pháp) xây dựng khoảng năm 1913, đặt trước khuôn viên Dinh Tỉnh trưởng Bạc Liêu thời Pháp thuộc.
Hiện nay, công trình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh này tọa lạc tại đường 30/4, phường 3, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Ngoài khuôn viên di tích rộng khoảng 500m2 có trồng cây xanh, lát đá sạch sẽ, chiếc đồng hồ đá hiện nay có dấu hiệu xuống cấp.
Phần gạch tàu ở mặt trước đồng hồ đá bị bong tróc, lồi lõm, rong rêu bám đen.
Các vạch số La Mã chỉ giờ đã bị mờ, thậm chí có những vạch không còn nhìn thấy. Phía mặt sau và xung quanh chiếc đồng hồ cũng bị rong rêu bám, bong tróc.
Trước tình trạng mưa nắng, chiếc đồng hồ đá độc nhất ở Việt Nam này có nguy cơ hư hỏng nặng và khó phục hồi nếu không sớm có biện pháp khắc phục, giữ gìn.
Đồng hồ Thái Dương được xây dựng bằng gạch thẻ, bề mặt được ốp bằng gạch tàu.
Trên bề mặt đồng hồ đá có 3 phần: Phần ở giữa là một gờ cao khối hình chữ nhật nhô ra phía trước; hai phần còn lại là khối hình vuông cân đối ở hai bên, có vạch số La Mã từ I đến XII để chỉ giờ.
Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, đây là chiếc đồng hồ được xem giờ bằng ánh nắng mặt trời duy nhất còn lại ở Việt Nam cho đến nay.
Năm 2006, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định xếp hạng đồng hồ Thái Dương là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận