Chuyện dọc đường

Hơn 100 nghìn doanh nghiệp giải thể có đáng lo ngại?

Con số hơn 100 nghìn doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường trong năm 2020, không phản ánh tình hình sức khỏe của cả cộng đồng...

img

Trong "năm Covid", trung bình mỗi tháng cả nước có hơn 8 nghìn DN giải thể, biến mất khỏi thị trường

Mới đây, báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy trong năm 2020 có hơn 100 nghìn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể.

Tuy nhiên nếu so sánh với năm 2019, tăng trưởng GDP đạt mức 7%, trong khi năm 2020 chỉ đạt tăng trưởng gần 3%, thì con số trên chỉ tăng khoảng 13,9% . Điều này chứng tỏ hơn 100 nghìn DN gặp khó khăn rút lui ra khỏi thị trường là điều tất yếu trong bối cảnh tăng trưởng chung của nền kinh tế suy giảm.

Hơn nữa đa phần DN khó khăn đều nằm trong nhóm lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chỉ mang tính nhất thời chứ không phải phản ánh tình hình sức khỏe của cả cộng đồng DN; Khi nền kinh tế phục hồi thì số DN trên cũng sẽ mau chóng khởi động lại để bật lên.

Hướng tới năm 2021, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta kỳ vọng mọi thứ tốt đẹp trở lại. Nếu như tất cả suôn sẻ, đúng như kế hoạch thì tới giữa năm 2021 các nước phát triển thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine phòng chống Covid-19 trong khi các nước đang phát triển cũng đã được tiếp cận với loại vaccine này.

Với Việt Nam, hi vọng tinh thần chống dịch như chống giặc trong năm 2020 vẫn được duy trì, kiểm soát tốt nguồn dịch, hạn chế lây lan ra cộng đồng ở mức thấp nhất trong khi chờ có vaccine Covid-19. Từ đây, niềm tin của người dân và cộng đồng DN cũng được củng cố.

Liên quan tới chính sách hỗ trợ của Nhà nước, từ đầu năm 2020, DN đã không ngồi thụ động, trông chờ vào các gói hỗ trợ tài chính khi ngân sách gặp khó khăn, tập trung nguồn lực phòng chống dịch.

Cái mà DN mong đợi nhất ở Nhà nước là việc gỡ khó về các thủ tục hành chính, đặc biệt những quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh sản xuất có điều kiện. Làm thế nào để việc hỗ trợ thủ tục hành chính trở thành hoạt động thường xuyên của các bộ ngành, cơ quan chức năng, chứ không chỉ được thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh. Đó mới là giải pháp căn cơ, cách tốt nhất để giúp DN phát triển cũng là tạo dư địa cho nền kinh tế trong nước vực dậy sau dịch.

img

DN đang rất cần cơ quan chính quyền chủ động đồng hành hướng dẫn thực hiện các thủ tục

Việc xác định nhóm ngành cụ thể để có giải pháp hỗ trợ đặc biệt chỉ nên tiến hành trong giai đoạn đặc biệt, và do các địa phương hay các hiệp hội nghiên cứu, đề xuất trong khuôn khổ vi mô của mình. Còn chính sách vĩ mô của Nhà nước thì không nên có giải pháp đặc biệt dành riêng cho một nhóm đối tượng nào. Cần đặt vấn đề cạnh tranh lành mạnh lên đầu trong môi trường kinh doanh, mọi thành phần đều có cơ hội bình đẳng, được đối xử như nhau, không có lý do gì mà hỗ trợ nhóm này lại không hỗ trợ nhóm kia.

Nhìn từ phía Chính phủ, không thể phủ nhận đã có nỗ lực cải cách, cắt giảm hàng loạt giấy phép con trong thời gian qua nhưng thực tế nhiều thủ tục vẫn còn rất chồng chéo, từ đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư tới giấy phép hoạt động, kiểm tra chuyên ngành…

Môi trường đầu tư cũng còn nhiều rủi ro khi không ít quy định pháp lý liên tục thay đổi. Chính vì thế, DN đang rất cần cơ quan chính quyền chủ động đồng hành hướng dẫn thực hiện các thủ tục, chứ không phải đợi tới khi phát hiện cái sai mới ra mặt để xử phạt.

Năm 2021 chúng ta cũng kỳ vọng từ việc dịch chuyển khối đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Từ trước tới nay, FDI vẫn là khu vực kinh tế quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra dòng vốn, công ăn việc làm…

Có thể mức lan tỏa, gắn kết giữa DN trong nước với FDI chưa được như kỳ vọng nhưng thực tế thông qua các DN FDI nguồn nhân lực lớn có trình độ tay nghề, năng lực quản lý đã được đưa vào thị trường lao động.

Với xu hướng dịch chuyển FDI về Việt Nam, các địa phương trong nước cũng có nhiều cơ hội, cân nhắc đưa ra những chính sách sàng lọc lĩnh vực đầu tư phù hợp, thu hút ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, giảm các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường hoặc thâm dụng lao động, tạo ra sự phát triển bền vững trong cộng đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.