Thời gian gần đây có rất nhiều trường hợp xe ô tô chạy vào làn xe máy ở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn nút giao Vành đai 2 đến nút giao An Phú, Q.2, TP.HCM). Rất nhiều trường hợp được camera ghi lại, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Cục CSGT chưa xử lý nhanh và nghiêm các trường hợp này khiến dư luận bức xúc. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đồng Thái Chiến - Phó phòng tuần tra kiểm soát, kiêm Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Đội 6), Cục CSGT (Bộ Công an), phụ trách tuần tra kiểm soát tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Không dễ xử phạt xe qua hình ảnh
Thưa Thượng tá, gần đây tình trạng xe ô tô chạy vào làn xe máy ở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây diễn ra rất nhiều. Có ý kiến cho rằng lực lượng tuần tra của Cục CSGT chưa xử lý nghiêm và nhanh các trường hợp này, ông có ý kiến như thế nào?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Từ ngày 20/3, khi Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 tháo cục bê tông chắn ở lối đi của làn xe máy trên đoạn đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dâu Giây, tình trạng ô tô chạy vào này diễn ra khá nhiều.
Trong 2 tháng qua, Đội CSGT số 6 đã tuần tra và xử lý 59 trường hợp xe ô tô chạy vào làn xe máy. Trong các trường hợp này, chỉ có 1 trường hợp xử lý qua hình ảnh theo phản ánh của người dân ghi hình, đó là chiếc xe của Công ty Hoa Mai cố tình đi vào làn xe máy, những trường hợp còn lại đều do cán bộ CSGT tuần tra xử lý trực tiếp.
Khi có thông tin phản ánh, chúng tôi đã giao cho tổ tuần tra, khi phát hiện xe đó chạy trên tuyến, đã yêu cầu tài xế dừng xe lại và về làm việc. Hôm đó tài xế thừa nhận lỗi của mình cố ý chạy vào làn đường xe máy, nhưng giải thích là do hôm đó có hành khách trên xe bị đau bụng, đường kẹt nên chạy vào làn xe máy để đưa hành khách đến bệnh viện. Chúng tôi đã xác lập biên bản và xử phạt tài xế 1 triệu đồng, tạm giữ GPLX 2 tháng.
Trung tâm quản lý hầm sông Sài Gòn cho biết hệ thống camera của họ ghi nhận đến 112 trường hợp ô tô chạy vào làn xe máy, những trường hợp đó có bị xử lý không?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Chúng tôi không nhận được những thông tin, hình ảnh nào từ Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn gửi qua cho Đội CSGT số 6 nên không có cơ sở để xử lý.
Việc xử lý qua hình ảnh camera của người dân ghi hình, cũng như hệ thống camera giám sát hiện nay có khó khăn gì không?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Theo Nghị định 165 của Chính phủ, việc xử lý qua hình ảnh phải được ghi nhận từ các trang thiết bị được Bộ Công an trang bị. Hiện nay, trên 55km tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chưa có hệ thống camera giám sát của Bộ Công an mà chỉ có một số camera của VEC gắn để quan sát tình hình giao thông. Cũng tương tự, hệ thống camera của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn chỉ có chức năng quan sát chứ chưa có chức năng ghi nhận để xử phạt nên về mặt pháp lý là chưa đủ cơ sở, bởi đây không phải là thiết bị của Bộ Công an trang bị.
Trước đây, VEC cũng có chuyển một số hình ảnh xe chạy vào làn khẩn cấp, dừng đỗ trái phép. Chúng tôi liên lạc yêu cầu tài xế đến làm việc. Có nhiều trường hợp không đến, cũng có trường hợp chủ xe đến. Tuy nhiên, khi chủ xe đến làm việc thì nói rằng tài xế đã nghỉ việc nên không xác lập được biên bản ghi nhận vi phạm. Trong khi quy định của Luật chỉ cho xử lý hành vi điều khiển phương tiện vào đường cấm đối với tài xế chứ không xử phạt chủ xe.
Khu vực phía Nam hiện tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được Bộ Công an lắp đặt hệ thống camera nên việc xử lý vi phạm rất thuận tiện. Chúng tôi đã kiến nghị và sắp tới Bộ Công an sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát để xử lý trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời cũng nên sửa quy định của Luật để gắn trách nhiệm của chủ xe trong tất cả các hành vi mà tài xế cố tình vi phạm.
Thẩm quyền thuộc Bộ Công an
Ngoài ra, trên tuyến cao tốc các tài xế thường vi phạm những lỗi gì?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Từ đầu năm đến nay các tổ đã phát hiện xử lý hơn 800 trường hợp vi phạm các loại như: chạy vào đường xe gắn máy, chạy ngược chiều, quá tốc độ, chạy vào làn khẩn cấp, dừng đỗ trên cao tốc. Trong đó riêng lỗi chạy quá tốc độ là 227 trường hợp.
Hiện nay, chúng tôi đã kiến nghị lắp hệ thống camera trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km để giám sát phạt nguội, nhằm đảm bảo tính chính xác, không mất nhiều thời gian và lực lượng tuần tra hiện trường.
Sở GTVT TP.HCM có kiến nghị Cục CSGT nghiên cứu bàn giao thẩm quyền tuần tra xử phạt xử lý vi phạm trên tuyến đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Võ Chí Công) về cho Công an TP.HCM thực hiện để chủ động, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thượng tá Đồng Thái Chiến: Theo Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4/1/2016 của Bộ Công an, quy định nhiệm vụ, quyền hạn trong việc tuần tra kiểm soát giao thông, thì lực lượng tuần tra của Cục CSGT đảm trách trên các tuyến cao tốc và đường dẫn. Phòng CSGT các tỉnh đảm trách tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Công an cấp huyện là các tuyến huyện lộ.
Nếu TP.HCM có đề nghị giao 4km đầu tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho Thành phố quản lý, tổ chức tuần tra kiểm soát thì UBND Thành phố phải có văn bản gửi Bộ Công an, còn phía Cục CSGT không có đủ thẩm quyền.
Xin cảm ơn Thượng tá!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận