Chào đón 100 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Quảng Ninh |
Mở ra hi vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Sáng 17/12, lễ chào đón 100 em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Sản Nhi Quảng Ninh, mở ra cơ hội có con đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn trong tỉnh và khu vực với chi phí điều trị ít hơn, giúp người bệnh tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, đi lại..
Được biết, em bé thứ 100 ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cất tiếng khóc chào đời ngày 8/12/2018, nặng 3,2kg, hoàn toàn khoẻ mạnh.
Theo gia đình bệnh nhân, em bé là "quả ngọt" hạnh phúc sau hành trình dài 8 năm mòn mỏi đợi chờ chữa vô sinh hiếm muộn của anh Bùi T. và chị Nguyễn Hoàng P. (quê ở thị trấn Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Trước đó, hai vợ chồng chị đã từng đi khám tại nhiều cơ sở chuyên khoa ở trung ương, các bác sĩ kết luận anh T. không có tinh trùng, chị P. bị giảm lưu trữ buồng trứng. Chỉ số nội tiết dự trữ buồng trứng AMH của chị P là 0,01 trong khi người phụ nữ bình thường có AMH từ 1-6,8; tỉ lệ có thai IVF<10%.
Sau khi tìm hiểu, gia đình đã quyết định chọn BV Sản Nhi Quảng Ninh là bệnh viện ở tuyến tỉnh để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vì tin tưởng tay nghề của các bác sĩ nơi đây. Cuối cùng, "phép màu" đã đến, chị P. đã mang thai ngày 07/4/2018 và hạ sinh bé gái vào ngày 8/12/2018.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến biểu dương những nỗ lực của BV Sản Nhi Quảng Ninh đã cố gắng đưa những kỹ thuật cao về gần người dân hơn, điều này rất đáng ghi nhận. Sự ra đời của các bé là một khởi đầu tốt đẹp, với sự nuôi dạy của các gia đình hi vọng các cháu sẽ trở thành những công dân có ích.
Tỷ lệ thành công cao ở BV tuyến tỉnh
BSCKII. Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 559 trẻ chào đời khoẻ mạnh tại Khoa Hỗ trợ sinh sản, trong đó có 102 trẻ ra đời từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Khoa hỗ trợ sinh sản đã thực hiện khám và tư vấn cho 24.000 lượt; phẫu thuật 700 ca. Tỉ lệ có thai sau chuyển phôi đạt gần 50%, trong đó tỉ lệ có thai khi chuyển phôi ngày 5 là 81% cao tương đương các trung tâm hỗ trợ sinh sản nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra, Khoa cũng đã triển khai nhiều kỹ thuật cao như đánh giá động học phát triển phôi (Timelapse), trữ lạnh trứng. Sàng lọc bệnh lý di truyền.
Nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh, theo BS. Hùng, thời gian tới, Khoa Hỗ trợ sinh sản sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu hơn trong chuyên ngành hỗ trợ sinh sản đó là: Micro TESE (vi phẫu tinh hoàn lấy tinh trùng); IVM (nuôi cấy trứng non, trưởng thành trứng trong ống nghiệm); Lưu trữ mô buồng trứng.
Phát triển di truyền phân tử và di truyền tế bào trong sàng lọc và chẩn đoán trước sinh. Đẩy mạnh quản trị chất lượng, quản lý rủi ro và an toàn người bệnh. Hướng tới tiêu chuẩn chất lượng về thụ tinh trong ống nghiệm trong khu vực (RTAC – bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế của Australia).
Lãnh đạo bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia, các đơn vị liên quan giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện tại, cập nhật nâng tầm vị thế thành Trung tâm hỗ trợ sinh sản đạt tiêu chuẩn khu vực.
Đồng thời, mong muốn có sự hợp tác toàn diện về chuyên môn, nghiên cứu khoa học cùng các trung tâm hỗ trợ sinh sản khác trong cả nước hướng tới sự hiệu quả, an toàn, đồng bộ, phù hợp trong điều trị hỗ trợ sinh sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận