|
Dự án “Lắp đặt thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách" được Tổng công ty Đường sắt VN quyết định đầu từ tháng 1/2014 theo chỉ đạo của Bộ GTVT với mục tiêu cải tạo, lắp đặt thiết bị thu gom chất thải sinh hoạt trên các toa xe khách, nhằm chấm dứt xả thải ra môi trường. Dự án này triển khai lắp đặt thiết bị cho 821 toa xe khách với thời gian thực hiện đến hết tháng 10/2015.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc cung cấp thiết bị vệ sinh trên tàu được tổ chức đấu thầu năm 2014 và Công ty CP Khoa học công nghệ (Petech) trúng thầu với giá bình quân một bộ thiết bị khoảng 150 triệu đồng. Tuy nhiên, do thiết bị Petech không lắp được cho 20 toa xe khách 2 tầng vì thùng xử lý thiết bị to trong khi sàn xe thấp nên dễ vướng vào khổ giới hạn đường sắt, vì vậy, Petech đã liên kết với Chodai để cung cấp thiết bị cho loại toa xe này. Sau đó, khi thực hiện 2 gói thầu còn lại của dự án, do gấp rút về tiến độ, Petech tiếp tục liên kết với Công ty Chodai cung cấp thiết bị cho số lượng nhỏ toa xe, nhất là các toa xe còn lạc hậu kĩ thuật dùng chủ yếu ở tàu địa phương. Như Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội có gần 600 toa xe, lắp thiết bị của Petech cho hơn 400 toa xe và số lượng nhỏ lắp thiết bị Chodai.
Theo Công ty Chodai, đơn vị này đã thử nghiệm thiết bị bio-toilet của Nhật Bản trên mặt đất và thiết kế trên toa tàu cho đường sắt VN từ năm 2013 đến 2014. Khi liên danh với Công ty Petech trúng thầu 2 gói thầu, Chodai cung cấp 199 bộ thiết bị bio- toilet B50 với đơn giá khoảng 110 triệu đồng/bộ và với tổng giá trị khoảng 22,5 tỷ đồng. Đồng thời, Chodai tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị cho 300 cán bộ, nhân viên đường sắt. Thiết bị được bảo hành 3 năm kể từ khi lắp đặt.
Một chuyên gia toa xe cho biết, thời điểm đó, Tổng công ty Đường sắt VN đã tổ chức cả hội thảo lựa chọn thiết bị, công nghệ xử lý chất thải trên toa khách. Nhưng do có quá nhiều chủng loại toa xe, thiết bị xử lý chất thải lắp đặt trên toa xe khách là mặt hàng đặc thù, phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật với từng loại toa xe cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, thời gian lắp đặt ngắn, chi phí tiết kiệm nên dự án không nhận được sự quan tâm mặn mà của các nhà sản xuất, cung cấp.
Hiện các toa xe khách chất lượng cao mới đưa vào khai thác đầu năm 2017 trên đường sắt VN đều sử dụng thiết bị vệ sinh hiện đại, tránh mùi hôi |
Petech trúng thầu và thực hiện cung cấp hơn 900 thiết bị lắp trên gần 700 toa xe, sau này có thêm Chodai vì thiết bị của hai nhà cung cấp này có lượng nước tiêu thụ trên tàu ít, các thiết bị của Petech dùng men vi sinh, còn của Chodai sử dụng công nghệ xử lý chất thải dạng khô, không sử dụng nước trong quá trình vệ sinh. Mặt khác, hai loại thiết bị có giá thành và chi phí lắp đặt rẻ hơn so với thiết bị vệ sinh tự hoại Micropho (Mỹ) đã lắp đặt trên một số toa xe khách tuyến Thống Nhất trước kia. Ngay từ những năm 2002-2004, thiết bị hiện đại này của Mỹ giá thành đã tới 35.000 USD/1 bộ thiết bị lắp đặt lên toa xe.
Hôi do sử dụng không đúng cách?
Theo một trưởng tàu khách tuyến Bắc – Nam, thực tế sử dụng các thiết bị vệ sinh trên tàu của Petech và Chodai thời gian qua cho thấy vẫn còn một số hạn chế, vẫn còn mùi hôi, nhất là thiết bị Chodai. Ngoài ra, thiết bị của Chodai có thiết kế không thân thiện (có thiết bị nhào trộn trong bể chứa), không phù hợp với thói quen sử dụng của hành khách nên dễ gây phản ứng, khó chịu.
Về phản ánh này, Công ty Chodai cho biết, thiết bị bio-toilet của Nhật Bản là thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt theo nguyên lý dạng khô, hoàn toàn không sử dụng nước. Chất thải và nước tiểu được trộn lẫn với mùn cưa cùng các chế phẩm sinh học sẽ được đảo trộn trong bể xử lý. Nhiệt lượng từ trong bể sẽ làm hóa hơi toàn bộ phần nước có trong chất thải của con người và được hệ thống quạt hút đưa ra bên ngoài. Vì vậy, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn sử dụng, vận hành hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị là yếu tố rất quan trọng.
|
Chodai cũng cho rằng, hiện tượng mùi hôi gây khó chịu cho hành khách thời gian qua là do chưa sử dụng đúng cũng như chưa tuân thủ quy trình bảo dưỡng thiết bị. Nhất là thói quen sử dụng nước trong khu vực toilet. “Thói quen sử dụng nước khiến có lượng nước trong thiết bị, gây ngập úng. Ngoài ra, có các vật thể như túi nilon… cũng có thể làm chết các sinh vật hiếu khí trong bể xử lý”, trưởng tàu khách lý giải thêm nguyên nhân gây mùi hôi và nói thêm: “Chúng tôi có hướng dẫn hành khách sử dụng nhưng có hành khách có con nhỏ cứ mang chai nước vào rửa ráy cho con thì nhân viên kiểm soát sao được”.
Còn theo ông Phan Huy Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - là một trong hai đơn vị lắp đặt, sử dụng thiết bị vệ sinh trên toa xe khách, hiện tất cả các thiết bị của các hãng đang trong giai đoạn bảo hành. Qua hai năm sử dụng, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, các công ty vận tải vẫn góp ý với các nhà cung cấp để tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh thiết bị sao cho phù hợp với thực tế khai thác, vận dụng trên đường sắt Việt Nam cũng như thói quen sử dụng của hành khách. “Chúng tôi cũng tăng cường khâu bảo dưỡng và hướng dẫn cho hành khách sử dụng cho đúng theo quy định”, ông Giang nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận