Trong năm 2016, tại Việt Nam xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại. |
Đây là thông tin Hội thảo Tham vấn Hoàn thiện "Phân tích khuôn khổ pháp lý trong nước về Bóc lột Tình dục Trẻ em trong Hoạt động Lữ hành và Du lịch" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/7.
Trong hơn 20 năm, du lịch tình dục trẻ em bùng phát và ngày càng lan rộng do chi phí du lịch ngày càng rẻ hơn. Số du khách quốc tế đi du lịch ngày một tăng, từ 527 triệu người năm 1995, đến năm 2014, con số đã lên hơn 1,1 tỷ người. Tuy nhiên, tình hình này cũng làm gia tăng nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em.
Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước xảy ra trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với 9.920 nạn nhân, tăng thêm 258 trẻ em so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65%. Trong năm 2016 xảy ra 1.248 vụ xâm hại tình dục trẻ em và có 1.211 trẻ bị xâm hại. Con số này đã giảm so với hai năm trước. Cụ thể, năm 2015 xảy ra 1.360 vụ với 1.371 trẻ em bị xâm hại và con số của năm 2014 là 1.544 vụ và 1.594 trẻ em bị xâm hại.
Tuy nhiên, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó có các hành vi như xâm hại tình dục trẻ em và khách du lịch xâm hại rất khó xử lý. Tội phạm có thể là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài vào Việt Nam thông qua con đường du lịch.
Theo ông Christopher Batt, Phụ trách Văn phòng Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp Quốc tại Việt Nam, bóc lột tình dục trẻ em là sự vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em và là một vấn đề vô cùng phức tạp. Ở Việt Nam, cũng như các nước trong khu vực, bóc lột tình dục trẻ em có mối liên hệ mật thiết với ngành du lịch ngày càng phát triển của quốc gia, hàng năm thu hút nhiều du khách nước ngoài và địa phương đến các thành phố, khu nghỉ dưỡng biển và các di tích lịch sử. Thực trạng kinh tế và xã hội đã biến một số khu vực trở thành điểm đến cho vấn nạn mang tên "du lịch tình dục"
"Những kẻ phạm tội đang di chuyển xa nhà có thể khai thác các trẻ em dễ bị tổn thương; duy trì tình trạng ẩn danh trong cộng đồng; khai thác các kẽ hở trong luật và các biện pháp thực thi pháp luật; không bị phát hiện; và do đó không bị đưa ra công lý", ông nói.
Đại diện này cũng hy vọng rằng, với nỗ lực phối hợp của các cơ quan hữu quan và các bên liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực cải cách luật và tư pháp hiệu quả và có thể "đảm bảo rằng tất cả các hành vi bóc lột tình dục trẻ em đều bị hình sự hóa theo các tiêu chuẩn quốc tế".
"Đảm bảo rằng pháp luật quốc gia không hình sự hóa trẻ em bị xâm hại tình dục và bóc lột tình dục và đảm bảo rằng trẻ em (những người dưới 18 tuổi) không bị đưa và sổ quản lý những người phạm tội liên quan tới tình dục
Đảm bảo rằng trẻ em được yêu cầu tham gia tố tụng hình sự nhận được hỗ trợ và tư vấn thích hợp để được trợ giúp trong tất cả các giai đoạn của thủ tục tố tụng, và có quyền tiếp cận với hệ thống pháp luật nhạy cảm với trẻ em để tránh bị biến thành nạn nhân một lần nữa.
Đảm bảo rằng tất cả tiền và tài sản thu được từ việc bóc lột tình dục trẻ em bị tịch thu và xung công hiệu quả để tài trợ cho các chương trình chăm sóc, phục hồi và tái hoà nhập, trong đó có cả các biện pháp bồi thường cho các nạn nhân", ông Christopher Batt nói thêm.
Bên cạnh đó, theo vị này, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực trọng điểm bằng cách chia sẻ và cập nhật thông tin liên quan đến các nạn nhân trẻ em và các đối tượng phạm tội nhằm điều tra và truy tố hiệu quả các thủ phạm và mạng lưới tội phạm chịu trách nhiệm về bóc lột tình dục trẻ em.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận