Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định, đến năm 2030 sẽ đầu tư 120 tuyến tránh quốc lộ.
Theo đó, vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện đang “trắng” về tuyến tránh sẽ có nhu cầu đầu tư tới 41 tuyến với chiều dài hơn 517 km.
Đồng bằng sông Hồng hiện tại có 2 tuyến tránh, nhu cầu đầu tư là 11 tuyến với tổng chiều dài hơn 117 km.
Nhiều tuyến tránh hiện nay đã trở thành đường nội đô, gây nguy cơ mất ATGT - Ảnh minh họa
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung hiện tại có 31 tuyến với chiều dài hơn 400 km. Nhu cầu đến năm 2030 đầu tư thêm 13 tuyến với chiều dài hơn 108 km.
Vùng Tây Nguyên hiện cũng đang “trắng” về tuyến tránh, nhu cầu đầu tư là 34 tuyến với tổng chiều dài hơn 417 km.
Vùng Đông Nam Bộ hiện mới có 2 tuyến với chiều dài hơn 30 km. Nhu cầu đầu tư là 10 tuyến với tổng chiều dài hơn 105 km.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 7 tuyến tránh với chiều dài 47 km. Nhu cầu đầu tư đến năm 2030 là 11 tuyến với chiều dài 108 km.
Như vậy, hiện tại trên đại bàn cả nước có 42 tuyến tránh với chiều dài hơn 520 km. Nhu cầu cả nước đến năm 2030 là 120 tuyến tránh với tổng chiều dài hơn 1.300 km.
Số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2019, cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 38%. Chiều dài đường đô thị cả nước khoảng hơn 21.000 km, tăng 2,5 lần so với năm 2011.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, nhiều tuyến tránh đô thị đã được đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2016, tuyến QL1 đã đầu tư 44 tuyến, chiều dài hơn 550 km. Các tuyến quốc lộ khác là 69 tuyến với chiều dài 640 km.
Tuy nhiên, ông Cường cho hay, việc phát triển đô thị liên tục được điều chỉnh, phát triển dẫn đến các tuyến tránh này lại trở thành các tuyến đường nội đô, gây mất ATGT, ùn tắc giao thông. Các tuyến tránh chủ yếu có quy mô 2 làn xe, nhiều tuyến đã xuất hiện hư hỏng, không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải đặc biệt là các tuyến tránh trên QL1.
Nguyên nhân của thực trạng trên, theo ông Cường là do các đô thị không phát triển theo quy hoạch ban đầu, tận dụng các tuyến quốc lộ để phát triển đô thị.
"Các khu vực đã đầu tư tuyến tránh đảm bảo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật xem xét quy hoạch thành hệ thống quốc lộ, chuyển các tuyến qua trung tâm đô thị thành đường địa phương để quản lý và vận hành.
Mặt khác, để đảm bảo mạng lưới thông suốt tránh ảnh hưởng đến dân cư, môi trường nghiên cứu quy hoạch các tuyến tránh mới thành quốc lộ và chuyển các tuyến đường hiện hữu xuyên tâm qua các khu đô thị sẽ bàn giao cho địa phương quản lý theo các tuyến đường đô thị", ông Cường cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận