Chiều 3/4, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang cho biết, Sở phối hợp với địa phương, nhà đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy đã rà soát, lập danh sách phương tiện miễn, giảm phí qua trạm BOT Cai Lậy. Sở đã có báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận.
Theo đó, trên địa bàn 41 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy… nằm trong bán kính 10km có 1.346 phương tiện đủ điều kiện miễn, giảm giá thu phí qua trạm BOT Cai Lậy. Cụ thể có 547 phương tiện kinh doanh được giảm 50%, 799 phương tiện không kinh doanh và xe buýt được giảm 100%.
Cũng theo ông Bon, hiện các xã, phường, thị trấn tập trung công tác tuyên truyền trong nhân dân về chủ trương đầu tư dự án truyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1. Các quy định ưu đãi đối với người dân địa phương có phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy, đặc biệt chủ phương tiện. Riêng sở đã trực tiếp tuyên truyền 4 cuộc với hơn 100 lượt người là giám đốc công ty, HTX, doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.Mỹ Tho.
Trước đó, ngày 14/3, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã thống nhất tổ chức thu tiền dịch vụ tại trạm Cai Lậy dự kiến từ ngày 25/3. Đồng thời, các bên đã thống nhất mở rộng phạm vi miễn, giảm giá từ bán kính 5km lến 10km (tương tứng từ 8 lên 31 xã, phường). Tuy nhiên, công tác rà soát, thống kê các phương tiện miễn, giảm được mở rộng nói trên chưa hoàn thành, do vậy thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ trở lại ngày 25/3 chưa thể thực hiện được.
Dự án đầu tư xây dựng QL1 qua thị xã Cai Lậy dài 38,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt đường quốc lộ 1 dài 26,4 km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km. Trạm thu phí đặt trên QL1 để thu phí cho hai tuyến đường.
Từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Từ ngày 14/12/2017, dự án BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí, chờ phương án xử lý của Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận