Hành khách xuống sân bay Điện Biên
Xây khu bay hoàn toàn mới, nhà ga chỉ cải tạo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng CHK Điện Biên.
Cụ thể, ACV sẽ đầu tư mới công trình khu bay đáp ứng khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; cải tạo nhà ga hiện hữu đáp ứng công suất 500.000 hành khách/năm; cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Tổng vốn đầu tư hơn 1.547 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm.
Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng, 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương, ACV phải hoàn thành việc đầu tư dự án.
Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, quản lý; UBND tỉnh Điện Biên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục và bố trí đủ vốn bảo đảm đủ điều kiện thực hiện GPMB, đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục, bảo đảm hiệu quả sử dụng đất sau khi thực hiện GPMB, tránh lãng phí tài nguyên; chủ trì, phối hợp với các Bộ GTVT, Quốc phòng, TN&MT và các cơ quan liên quan thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi, bàn giao đất xây dựng dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định pháp luật hiện hành có liên quan theo tiến độ triển khai dự án.
Bộ GTVT có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý…
Không hiệu quả tài chính, vì sao ACV vẫn quyết đầu tư?
Theo Bộ KH&ĐT, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định dự án, toàn bộ hơn 1.547 tỷ đồng đầu tư dự án bằng nguồn vốn chủ sở hữu của ACV.Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, hiện DN này đang có số dư tích luỹ hơn 20.000 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên từ nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.
“ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai xây dựng mở rộng CHK Điện Biên ngay sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư”, ông Bình nói và cho biết: ACV cũng đảm bảo cân đối đủ vốn để triển khai các dự án trọng điểm khác như cải tạo, nâng cấp mở rộng CHK Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới… mà chưa cần sử dụng vốn vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, ACV vẫn đảm bảo nguồn tiền tích lũy để đối ứng vốn triển khai dự án CHK Long Thành.
“Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV trong năm 2020. Tuy nhiên, với xu thế phát triển và ưu điểm tuyệt đối của vận tải hàng không về việc tiết kiệm thời gian đi lại, sự thuận tiện của dịch vụ, chi phí hợp lý, mức độ an toàn… ngay sau khi dịch bệnh chấm dứt, nhu cầu vận tải sẽ hồi phục nhanh chóng. Do đó, ACV cam kết sẽ cân đối đảm bảo đủ nguồn tài chính đầu tư cho dự án, bảo đảm tiến độ dự án”, ông Bình thông tin.
Được biết, lãnh đạo ACV cũng đang hối thúc các phòng ban chức năng đẩy nhanh tiến độ dự án, phấn đấu khởi công ngay cuối năm nay.
Liên quan đến vấn đề hiệu quả dự án, Bộ KH&ĐT cho hay: Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, hiệu quả tài chính của dự án chỉ đạt 3,12%; thời gian thu hồi vốn lâu, đến 50 năm; không phù hợp với yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn khi sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN… Đây cũng là vấn đề Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN từng đề cập khi xem xét việc đầu tư của ACV vào sân bay này.
Trao đổi với PV, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho hay: “Dự án không đạt hiệu quả đầu tư về tài chính nếu tính riêng CHK Điện Biên. Tuy nhiên, thực tế trong 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác, chỉ có 7 CHK hoạt động có lãi”.
Cũng theo ông Thanh, việc đưa CHK Điện Biên vào đánh giá riêng hiệu quả tài chính, hiệu quả đầu tư là không phù hợp vì đặc thù ngành hàng không là điểm nối điểm theo vùng và văn hóa nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc vào các điểm đến, đi và mang lợi ích kinh tế cho nhau.
“Hơn nữa, mỗi CHK có vai trò khác nhau trong việc phục vụ phát triển KT-XH, an ninh - quốc phòng, vì vậy Nhà nước đã giao cho ACV quản lý, khai thác, đầu tư phát triển hệ thống 21 CHK để ACV cân đối lợi nhuận và có trách nhiệm cân đối đầu tư phát triển các CHK”, ông Thanh chia sẻ.
Điện Biên là CHK nội địa cấp 3C. Kết cấu hạ tầng chính gồm: 01 đường cất hạ cánh kích thước 1.830 x 30m được đưa vào sử dụng từ năm 1994; hệ thống trang thiết bị hạ cánh giản đơn; sân đỗ tàu bay có 3 vị trí đỗ; nhà ga hành khách được xây dựng năm 2004 có công suất 300.000 hành khách/năm.
Do hạn chế về tĩnh không hai đầu đường cất hạ cánh (vướng núi) nên hiện tại CHK Điện Biên chỉ đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 và tương đương vào ban ngày (trong điều kiện thời tiết cho phép).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận