Y tế

Hơn 1.800 bệnh nhân Covid-19 được chữa bệnh từ xa, không phải chuyển viện

16/08/2021, 07:30

Việc kết nối hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó.

Đặc biệt, với bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.

img

Việc hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nặng tuyến dưới sẽ dễ dàng hơn nhờ hệ thống Telehealth

Kích hoạt Telehealth cứu người bệnh vùng xa

Cách đây ít lâu, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Bệnh viện (BV) Bạch Mai nhận được điện thoại đề nghị hỗ trợ về chuyên môn của BV Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Ngay lập tức, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa hội chẩn cấp cứu được kích hoạt. Một cuộc hội chẩn toàn viện được triệu tập với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về: Chống độc, hồi sức, cấp cứu, thần kinh, huyết học, tiêu hóa, điện quang, dược lâm sàng…

Trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn là 1 bệnh nhân nam, 25 tuổi, người đồng bào dân tộc, làm nông nghiệp (trú tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) nhập viện trong tình trạng khó thở.

Bệnh nhân có tiền sử uống rượu nhiều và bệnh gan không rõ chẩn đoán. Trước đó, bệnh nhân cùng 4 người nữa ăn chung một bàn tiệc, sau đó có cùng biểu hiện: Đau đầu, nôn ói, khó thở.

Hiện đã có 2 trường hợp nặng tử vong vì suy hô hấp, 2 trường hợp đang được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp và trường hợp này có biểu hiện bệnh muộn nhất và nặng nhất, hiện đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức.

Cũng theo thông tin người nhà cung cấp, trước khi nhập viện 1 ngày, bệnh nhân có ăn thịt trâu được nấu chín. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện nôn ói, nhìn mờ, đau đầu, yếu tay chân, đi phải có người dìu, sau đó được người nhà đưa đến Trung tâm y tế huyện Kon Plông và được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Sau khi khai thác kỹ càng bệnh sử qua hệ thống Telehealth, các y, bác sĩ xác định đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm tập thể (ngộ độc botulinum).

Ngay sau đó, BV Bạch Mai đã cử chuyên gia chống độc mang theo thuốc giải độc botulinum vào Kon Tum để trực tiếp hỗ trợ đồng nghiệp cứu chữa cho bệnh nhân.

Cũng nhờ Telehealth, hàng nghìn ca bệnh khó được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Điều này vừa giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, vừa giảm tải tuyến trên cũng như kịp thời hỗ trợ kỹ thuật từ tuyến Trung ương cho tuyến dưới.

Telehealth càng phát huy vai trò hơn đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Sáng 27/7, ThS. BS. Phạm Thế Thạch, Phó trưởng Khoa Điều trị Tích cực BV Bạch Mai và nhóm bác sĩ chuyên sâu về Covid-19 của Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” đã tổ chức chẩn đoán cho 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại TP HCM.

Thông qua mạng lưới chẩn bệnh từ xa, BS. Thạch đã nhanh chóng xếp bệnh nhân theo các nhóm nguy cơ và cùng phối hợp với nhóm xử lý các tình huống cấp cứu tại địa phương trong mạng lưới, đưa các bệnh nhân nguy cơ cao đến bệnh viện.

Theo BS. Lê Tuấn Thành, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, khi mạng lưới chính thức đi vào hoạt động, đối với các trường hợp nguy cơ hoặc nguy cơ thấp có triệu chứng, mạng lưới sẽ tổ chức các buổi Telehealth với các chuyên gia điều trị Covid-19 định kỳ một tuần 2 - 3 lần.

Với trường hợp nguy cơ cao mức độ 3, mạng lưới tổ chức buổi Telehealth càng sớm càng tốt để đảm bảo người bệnh có triệu chứng nặng được can thiệp kịp thời.

Hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 được điều trị qua Telehealth

Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 4/2020), nền tảng khám, chữa bệnh từ xa đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa; hơn 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên hệ thống.

Thông qua nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 chuyển biến nặng, giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho các bệnh nhân.

Các y, bác sĩ tại các bệnh viện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết, nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các BV tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa/phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.

Các bệnh viện được giao nhiệm vụ trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.

Các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, về lâu dài, Bộ sẽ áp dụng đăng ký khám, chữa bệnh online cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào quản lý và khám, chữa bệnh.

Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Teleheath) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Việc này góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến. Các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.