Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quá tải trong dịp Tết Nguyên đán 2014 - Ảnh: T.T.D. |
Thưa ông, điều gì khiến một cán bộ đã nghỉ hưu nhiều năm như ông lại quyết định gửi thư cho Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ quan điểm của mình?
Là một cán bộ của ngành tôi thấy cần có tiếng nói xung quanh dự án cảng hàng không Long Thành đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Theo dõi báo chí thời gian gần đây, tôi thấy nhiều ý kiến chưa chuẩn xác vì vậy muốn bày tỏ quan điểm của mình với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Ông có điều gì cần nói về dự án này?
Thời tôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng VN, chính tôi là người lên báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười để xin phép nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 9 triệu hành khách/năm.
Khi đó, Tổng cục Hàng không được giao cho Bộ Quốc phòng quản lý. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh cũng nhận thấy Tân Sơn Nhất sẽ quá tải và thống nhất đề nghị được mở rộng sân bay then chốt này.
Tôi nhớ không nhầm thì thiết kế cũ của Tân Sơn Nhất từ thời Mỹ hỗ trợ xây dựng cũng chỉ tối đa đến 9 triệu khách. Chúng ta đã mở rộng để đạt được mức đó và thậm chí là gấp đôi, lên tới 15 triệu khách như hiện nay. Vậy mà có người còn muốn nâng lên gấp 4 thì thật phi lý nhất là trong bối cảnh quỹ đất không còn, nhà cửa đã áp sát Tân Sơn Nhất, đường ùn tắc triền miên.
Tôi khẳng định rằng những năm qua, ngành hàng không đã rất cố gắng để Tân Sơn Nhất hoàn thành nhiệm vụ. Nếu kéo dài thêm nữa thì sẽ không đảm bảo được an toàn và chất lượng dịch vụ hàng không.
Nhiều ý kiến cho rằng lúc này cần nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 30, thậm chí 40 triệu khách/năm và xếp dự án Long Thành lại, ông có đồng tình?
Những ý kiến đó không có căn cứ, cũng không hiểu gì về hàng không. Tân Sơn Nhất nằm giữa lòng một thành phố tương lai sẽ trở thành trung tâm thương mại quốc tế có trên 10 triệu dân. Việc tận dụng tối đa đất hiện có của Tân Sơn Nhất (kể cả đất quân sự) để tăng số lần cất hạ cánh là rất khó chưa kể ở đây không có hệ thống giao thông kết nối đủ để giải tỏa lượng khách lớn như vậy. Hơn nữa, có cố gắng đến đâu thì Tân Sơn Nhất vẫn chỉ là một cảng hàng không chắp vá, không thể cải thiện mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ.
Với mật độ cất hạ cánh máy bay vận tải cỡ lớn lên cả nghìn chiếc/ngày sẽ gây độ ồn rất cao, quan trọng hơn nếu máy bay xảy ra tai nạn trên thành phố hậu quả rất lớn.
Những nguy cơ như ông nói bây giờ mới hiện hữu hay đã từng được nhắc đến từ thời ông làm Tổng cục trưởng?
Việc tìm một vị trí quy hoạch cảng hàng không mới đã làm từ rất sớm. Long Thành đã được nhắm đến từ lâu nhưng chỉ mới được đặt vấn đề đầu tư cách đây 10 năm. Tôi rất tiếc, nếu ta xây dựng Long Thành sớm, từ khoảng 5 năm trước thì đã không bị động như hôm nay. Tân Sơn Nhất hiện nay đã rất quá tải rồi.
Mới đây, một vị giáo sư đã cho rằng xây cảng hàng không quốc tế ở Long Thành sẽ chỉ trung chuyển được khách đến Úc và một vài nước láng giềng, vị trí của Long Thành thực ra không có nhiều lợi thế?
Họ nhầm, ta xây cảng hàng không ở Long Thành có thể nói là một vị trí đắc địa, như người Pháp nói là ở mặt tiền của Biển Đông, có thể trở thành một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của các đường bay Đông Tây- Bắc Nam. Bắc là từ Trung Quốc đi Nhật Bản. Nam thì nối dài đi Úc, phía Tây thì nối liền với châu Âu. Chúng ta sẽ ở điểm cuối của các hành trình dài và các hãng hàng không đều muốn thiết lập các đường bay qua đây để có thể lấy thêm khách.
Vậy với dự án này, ông còn băn khoăn điều gì?
Tôi đã bày tỏ băn khoăn này với Bộ trưởng Đinh La Thăng, vì kinh tế ta còn nghèo nên xây dựng cần lộ trình phù hợp với dự báo lưu lượng khách tăng trưởng hàng năm. Kinh phí phải tính lại rất chặt chẽ. Nguồn vốn thì huy động từ nhiều nguồn trong đó có kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Tôi cũng góp ý với Bộ trưởng là dù dùng hình thức nào đó để gọi được vốn nước ngoài thì ta cũng phải tự chủ và không lệ thuộc.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Nam Anh (Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận