20,1 triệu người tham gia BHXH
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm tự nguyện (BHTN) tiếp tục được đẩy mạnh. Ước tính đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Tham gia BHTN ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% LLLĐ trong độ tuổi; trong năm có 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 2.208.569 người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Cũng theo bộ này, toàn quốc đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội cho trên 3,8 triệu đối tượng BTXH (chiếm trên 3% dân số), kinh phí ước tính 32 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số đối tượng bảo trợ xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 2.254.951 người (59,03% tổng số đối tượng bảo trợ xã hội quản lý).
100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; khoảng 91% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời; 91% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời, đạt mục tiêu.
Trong năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ tán thành cao; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Tăng cường đối thoại, tuyên truyền về chính sách BHTN tại một số địa phương, tuyên truyền chính sách BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024. Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất, số cuộc đình công giảm (năm 2024, cả nước xảy ra 49 cuộc đình công), tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện.
Thị trường lao động tiếp tục khởi sắc với lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được LLLĐ ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức thấp, dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%,tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2020 (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2020), đạt mục tiêu Quốc hội giao; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Ước cả năm là 150.000 người, đạt 120% kế hoạch. 4 năm 2021-2024, đưa gần 500 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài.
Hiện nay có gần 700 nghìn người lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về nước 3,5-4 tỷ đô la. Tăng cường quản lý, cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, góp phần bảo đảm cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tuyển sinh năm 2024 ước được 2.430.159 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 448.574 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 1.981.585 người. Ước tốt nghiệp năm 2024 là 2.146.000 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 346.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 1.800.000 người.
Giai đoạn 4 năm 2021-2024, cả nước tuyển sinh ước khoảng 8.373.870 người (trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là: 1.705.070 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 6.668.800 người); tốt nghiệp khoảng 7.110.242 người (trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là: 1.149.268 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 5.960.974 người).
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, đời sống người có công và thân nhân không ngừng được nâng lên. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay. Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1.074.543 người có công với cách mạng; trong đó, tổng số đối tượng người có công với cách mạng đã nhận trợ cấp qua tài khoản là 608.723 người, với kinh phí chi trả không dùng tiền mặt là hơn 11.900 tỷ đồng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo; phân bổ đủ vốn năm 2024 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho các địa phương; tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động được trên 5.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 01 huyện nghèo thoát nghèo. Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Chú trọng và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, tôn vinh đối với người có công với cách mạng; mức chuẩn trợ cấp tăng từ 1.318.000 đồng năm 2015 lên 2.789.000 đồng năm 2024, tăng gấp 2,1 lần (trong đó, năm 2024 tăng 35,7% so với năm 2023, cao nhất từ trước đến nay). Công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực, Việt Nam là quốc gia đi đầu trong giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, là thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo.
Từng bước hoàn thiện hệ thống trợ giúp xã hội, hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, nhất là trong phòng chống đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đã tham mưu ban hành và triển khai 4 gói cứu trợ chưa từng có tiền lệ, với số tiền trên 120 ngàn tỷ đồng và trên 200 ngàn tấn gạo hỗ trợ cho trên 68 triệu lượt người.
Sau 10 năm đối tượng bảo trợ xã hội tăng 40,74% và ngân sách dành cho đối tượng này tăng 113%. Xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để thực hiện đầy đủ và ngày càng tốt hơn quyền trẻ em. Công tác an toàn lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội cũng được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận