Theo đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng về phía hạ lưu sông Hồng, song song với cầu đã được xây dựng trong giai đoạn 1. Tim cầu giai đoạn 2 nằm song song và cách tim cầu giai đoạn 1 về phía hạ lưu 21,25m với hình dáng tương tự cầu hiện tại.
Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng gần 3,5km, điểm đầu tại Km0+840 (giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai), điểm cuối tại Km4+312,62 (giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh). Mặt cắt ngang cầu hơn 19m gồm 4 làn xe, chiều cao tĩnh không 11m.
Đây là dự án nhóm A, UBND thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện trong năm 2020 - 2022 nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của Thủ đô; Tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm thành phố với khu vực phía Bắc và Đông Bắc.
Trước đó, dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Năm 2017, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), sau đó giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án. Tuy nhiên, sau đó, nhà đầu tư của dự án này đã rút lui bởi thời điểm này, các dự án đầu tư theo hình thức BT đang phải tạm dừng để chờ nghị định mới của Chính phủ.
Được biết, theo quy hoạch và thiết kế, cầu Vĩnh Tuy rộng 38m, dài 5,8km. Trong đó phần vượt sông dài 3,7 km, đường dẫn hai đầu 1,68km. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên năm 2009 Hà Nội mới khánh thành giai đoạn 1 với mặt cầu rộng 19m với kinh phí gần 3.600 tỷ đồng. Vì vậy, việc xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng nhằm hoàn thiện cầu Vĩnh Tuy theo đúng thiết kế quy hoạch trước đó.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận