Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, Bộ GTVT đề xuất quy hoạch 101 cảng cạn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tại 19 hành lang vận tải tại cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.
Các cảng cạn được ưu tiên đầu tư gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất (Ảnh minh họa).
Cụ thể, đến năm 2030, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đây là các cảng cạn gắn với phương thức vận tải khối lượng lớn (đường thủy nội địa, đường sắt), khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics và các cửa khẩu đường bộ, đường sắt quốc tế có nhu cầu vận tải với khối lượng lớn.
Có 10 dự án cảng cạn được Bộ GTVT ưu tiên đầu tư, bao gồm: Phù Đổng - Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội); Văn Lâm (huyện Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào, Hưng Yên); Tân Lập (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên); Sen Hồ (huyện Việt Yên, Bắc Giang); Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn); Long Bình (quận 9, TP.HCM); Thái Hòa (thị xã Tân Uyên, Bình Dương); Mộc Bài (Tân cảng Tây Ninh); An Sơn (thành phố Thuận An, Bình Dương); cụm cảng Phú Mỹ - Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) gồm Phú Mỹ (khu công nghiệp Phú Mỹ III) và Phước Hòa (Cái Mép).
Trong đó, mỗi cảng cạn Phù Đổng - Cổ Bi, Văn Lâm, Tân Lập và Sen Hồ sẽ có diện tích quy hoạch khoảng 10-15ha, nhu cầu vốn đầu tư dao động từ 350-525 tỷ đồng và năng lực thông qua dự kiến đạt 100.000-150.000 Teu/năm.
Cảng cạn Tân Thanh có nhu cầu vốn đầu tư 525-700 tỷ đồng và năng lực thông qua đạt khoảng 150.000-200.000 Teu/năm.
Đối với các cảng cạn trong TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều cảng có nhu cầu vốn đầu tư lớn và năng lực thông qua cao.
Cụ thể, nhu cầu vốn đầu tư của cảng cạn Long Bình khoảng 1.400-1.750 tỷ đồng với năng lực thông qua đạt 1-1,2 triệu Teu/năm. Cảng cạn Phú Mỹ có năng lực thông qua khoảng 300.000-400.000 Teu/năm với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 1.050-1.400 tỷ đồng.
Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng 27.400-42.380 tỷ đồng. Tại giai đoạn này, mục tiêu phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng 25-35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng 11,9-17,1 triệu Teu/năm.
Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 4,29-6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 0,9-1,4 triệu Teu/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng 6,8-9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30-35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận