Chương trình này đã được thực hiện định kỳ hàng năm trong suốt hơn 30 năm qua.
Hi vọng con sẽ có nụ cười như bao đứa trẻ khác
Mang thai đến tháng cuối cùng, chuẩn bị sinh, chị Nguyễn Thị Thơm (Nghệ An) mới biết đứa con trai trong bụng mắc dị tật bẩm sinh sứt môi, hở hàm ếch ở thể tương đối nặng, biến dạng khung hàm. “Biết con mắc dị tật cả nhà ai cũng buồn và càng thương con hơn, nhưng không biết phải làm sao cả”, chị Thơm chia sẻ.
Bé Bùi Hồng Hoàng ra đời, không như những đứa trẻ khác ngậm trọn vẹn bầu sữa của mẹ, do dị tật sứt môi nên chị Thơm đành cho con ăn bằng thìa. Từng dòng sữa chắt chiu chị xúc cho con mỗi bữa. Khi bé Hoàng được 3 tháng tuổi, thương con chị Thơm bồng con lên BV Sản nhi Nghệ An thăm khám. Tuy nhiên, bé quá nhỏ để thực hiện phẫu thuật nên được hẹn quay trở lại khi bé chừng 5 tháng.
“May mắn đợt này con khỏe, lại có trong danh sách được phẫu thuật miễn phí của BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, chứ không cũng chưa biết khi nào gia đình mới có điều kiện chữa cho con. Mong rằng phẫu thuật “vá” môi lần này cho con thành công để con có nụ cười như bao bạn nhỏ khác”, chị Thơm chia sẻ.
Chạy theo đôi chân thoăn thoắt của cậu bé Nguyễn Tùng Lâm (2 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) dọc theo hành lang bệnh viện, bà Nguyễn Thị Tuyển (bà nội của Lâm) dù mệt nhoài vẫn nở nụ cười rạng rỡ khi nhắc đến cậu bé. Nhìn cậu bé ít ai biết bé vừa phẫu thuật dị tật hở vòm họng thành công chỉ cách nay chừng 5 ngày. “Chiều nay, con cắt chỉ rồi bác sĩ cho con về và hẹn tái khám”, bà Tuyển mừng rỡ khoe.
Theo lời bà Tuyển, khi Tùng Lâm sinh ra, cậu bé trắng trẻo khỏe mạnh. Thế nhưng sau đó con bú kém, thường xuyên sặc sữa lên mũi, rồi hay ho sốt nên gia đình cho con đi khám. “Lúc bác sĩ báo con hở hàm ếch, cần theo dõi và phẫu thuật khi đủ tuổi, cả nhà ai cũng lo lắng vì chưa biết rõ dị tật này phải xử lý ra sao, có nguy hiểm đến tính mạng hay không. Hơn nữa, con còn mang trong mình bệnh tim bẩm sinh nên không được khỏe như những đứa trẻ khác”, bà Tuyển nói.
Bà Tuyển nói thêm, giờ thì cả gia đình yên tâm hơn, bác sĩ có dặn dò rất kỹ cách chăm sóc cho con sau phẫu thuật và cũng giải thích sau này con còn cần luyện tập lớp ngữ âm để không “ngọng”…
Cùng với bé Hoàng, Lâm trong đợt phẫu thuật nụ cười miễn phí lần này tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba còn có khoảng 30 bé nữa có dị tật tương tự.
Có ngày đứng phẫu thuật 14 ca liên tục
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: “Chương trình Phẫu thuật nụ cười cho trẻ dị tật bẩm sinh có từ năm 1989 và được duy trì đến giờ, tất cả đều miễn phí. Tham gia vào chương trình này chúng tôi luôn nghĩ đó trách nhiệm xã hội. Quá nhiều gia đình trẻ em mắc dị tật này nhưng quá nghèo, xa xôi, khó khăn trong việc tiếp cận với y tế. Cũng chính vì thế, ngoài tổ chức thăm khám, tư vấn và phẫu thuật tại viện, chúng tôi còn làm những việc này qua các chuyến công tác về các tỉnh, thành phố khác. Những năm gần đây, tính riêng BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, mỗi năm đã thực hiện phẫu thuật cho khoảng 500 trẻ có dị tật bẩm sinh như vậy”.
BS. Thanh Thái chia sẻ, ông không nhớ nổi mình đã thực hiện được bao nhiêu ca mổ cho trẻ em mắc dị tật sứt môi, hở hàm ếch trong nhiều năm gắn bó với nghề. Ông vẫn nhớ mãi có đợt cao điểm đi phẫu thuật ở địa phương, ông cùng các đồng nghiệp ở Vinh, Nghệ An đứng mổ liên tục 14 ca dị tật trên 1 bàn mổ, với 4 bàn mổ là 56 trẻ trong 1 ngày.
“Tôi vẫn nhớ mãi ca phẫu thuật dị tật rất nặng cho bé gái khi đó khoảng 5 - 6 tuổi. Dị tật khiến khuôn mặt bé biến dạng với khe hở môi chéo xếch ngược về 2 mắt. Cô bé này cũng từng có hành động tự tử vì vẻ bề ngoài của mình. Với khoảng 10 lần phẫu thuật, cô bé đã cải thiện rất đáng kể dị tật và có cuộc sống ổn định sau này”, BS. Thái chia sẻ.
Chia sẻ về các ca bệnh, BS. Nguyễn Trung Nghĩa, Khoa Phẫu thuật hàm mặt, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: “Dị tật sứt môi, hở hàm ếch thường ảnh hưởng đến việc ăn uống của trẻ, dễ khiến trẻ sặc, trẻ phát âm ngọng... Với trẻ sứt môi thì dễ nhận diện, nhưng không ít trẻ hở vòm họng (hở hàm ếch) lại phát hiện muộn khi trẻ đã đi học và nói ngọng. Việc phát hiện muộn, mổ muộn thường khó mang lại kết quả như mong muốn”.
Tuy nhiên tùy mức độ, trẻ phải thực hiện một hay nhiều lần phẫu thuật. Thông thường, sẽ phẫu thuật hở môi khi trẻ 6 tháng tuổi, hở vòm khi trẻ 18 tháng và khi trẻ 9 - 10 tuổi với hở khung răng. Sau đó, trẻ được can thiệp luyện ngữ âm ở lớp học riêng…
“Trẻ mắc dị tật hàm mặt không chỉ chịu nỗi buồn về hình thể mà hơn nữa gia đình của trẻ còn chịu những điều tiếng từ những người xung quanh. Chính vì vậy, chương trình Phẫu thuật nụ cười không chỉ mang lại chất lượng cuộc sống cho trẻ mà còn có nhiều ý nghĩa với cả gia đình của trẻ nữa”, BS. Thái cho biết thêm.
Chương trình Operation Smile tại Việt Nam được thực hiện từ năm 1989, với sự tham gia tình nguyện của nhiều bệnh viện như: BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, BV 108, BV Răng Hàm Mặt T.Ư... đến nay ước khoảng 60 nghìn trẻ đã được phẫu thuật miễn phí.
Điều kiện tham gia là những trẻ có dị tật bị khe hở môi ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8kg trở lên; trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 18 tháng tuổi, nặng từ 10 - 12kg trở lên. Trẻ không có bệnh bẩm sinh như: Tim, động kinh, hen suyễn… và không bị ốm, sốt hoặc viêm nhiễm trong thời điểm đi khám, gia đình liên hệ với Tổ chức Operation Smile Vietnam theo các phương thức sau để được xếp lịch thăm khám, phẫu thuật: Hotline 090 488 5555, Văn phòng Hà Nội: 024 3936 5426. Tất cả các ca phẫu thuật sẽ được thực hiện miễn phí, ngoài ra sẽ được hỗ trợ một phần đi lại và ăn uống trong thời gian lưu viện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận