Đời sống

Hơn 300 hộ dân ở Bình Định mong mỏi một cây cầu

14/01/2023, 20:00

Thiếu cây cầu qua sông, hàng trăm hộ dân phải đi đường vòng vào trung tâm, đặc biệt là các em học sinh mỗi ngày phải vượt gần 40 km đến trường.

Theo người dân ở thôn Đại Định (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), trước kia, từ thôn Đại Định về trung tâm xã Ân Mỹ họ lưu thông trên cây cầu tạm bằng tre, gỗ bắc qua sông Lại Giang (còn tên gọi khác là sông An Lão). Nhờ vậy, khoảng cách người dân di chuyển từ thôn về trung tâm xã chỉ khoảng hơn 200 m.

Thế nhưng, chừng gần 10 năm trở lại đây, cây cầu tạm bắc qua sông Lại Giang đã bị tháo dỡ. Nguyên nhân là khi người dân địa phương lưu thông qua lại đã xảy ra một số vụ tai nạn rớt xuống sông, trong đó có vụ dẫn đến chết người.

img

Hơn 330 hộ dân ở thôn Đại Định (xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân) mong ước có một cây cầu kiên cố bắc qua sông Lại Giang để thuận tiện trong đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa. (Trong ảnh: Thời điểm cây cầu tạm chưa bị phá bỏ, người dân rút ngắn khoảng cách qua lại nhưng lại gặp nhiều nguy hiểm)

Từ khi tháo dỡ cầu tạm, người dân ở thôn Đại Định về trung tâm xã Ân Mỹ phải đi đường vòng qua hướng cầu Mỹ Thành (thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ), với quãng đường hơn 9 km. Điều này gây bất tiện về mặt khoảng cách và thời gian trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Ông Lê Anh Tuấn, người dân thôn Đại Định chia sẻ, việc lên trụ sở xã hay vào trung tâm trở nên khó khăn hơn dù khoảng cách theo đường chim bay là không lớn. Đặc biệt, những ngày mưa gió hay có ốm đau, việc di chuyển trở nên vất vả rất nhiều.

Ông Lê Phước Tiếp, Trưởng thôn Đại Định cho biết, thôn Đại Định cách trung tâm xã và trụ sở UBND xã Ân Mỹ chỉ một con sông Lại Giang, với chiều ngang chừng hơn 200 m. Nhưng do chưa có cầu bắc qua nên người dân ở đây phải đi đường vòng gặp nhiều bất tiện.

"Khổ nhất là các cháu học sinh ở thôn Đại Định đang học tại Trường THCS Ân Mỹ (gần trụ sở UBND xã Ân Mỹ - PV). Mỗi ngày học 2 buổi, các cháu di chuyển quãng đường gần 40 km đi và về. Vào mùa mưa lũ, việc đi học của các cháu lại càng khó khăn, vất vả hơn”.

Theo ông Lê Bình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Mỹ, có cây cầu bê tông kiên cố nối từ thôn Đại Định về trung tâm xã Ân Mỹ sẽ giúp việc đi lại của hơn 330 hộ dân, với hơn 1.500 nhân khẩu ở đây được thuận tiện, dễ dàng.

Ngoài ra, nếu cầu được xây dựng còn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân ở thôn Năng An (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) và thôn Hội An (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân). Khi đó, người dân thôn Đại Định, Năng An, Hội An chỉ cần qua cầu là gặp tỉnh lộ 629, thuận tiện mỗi khi về phường Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn) hoặc đi xã An Hòa (huyện An Lão).

Theo lãnh đạo địa phương, năm 2020, giám đốc 1 doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương - là người con quê xã Ân Mỹ đã về xem xét, khảo sát nhằm tài trợ kinh phí xây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Lại Giang, nối liền thôn Đại Định với trung tâm xã Ân Mỹ. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khách quan nên việc này chưa thể thực hiện.

Ông Nguyễn Hà Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Ân Mỹ cho biết thêm, thời điểm doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương về địa phương khảo sát thì tổng dự toán kinh phí đầu tư xây dựng cầu nối từ thôn Đại Định về trung tâm xã Ân Mỹ khoảng 19 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với khả năng của xã Ân Mỹ.

"Chính quyền địa phương và người dân thôn Đại Định rất mong các cấp, các ngành ở huyện, tỉnh và Trung ương quan tâm xem xét, tiến hành khảo sát, đầu tư kinh phí xây dựng cây cầu kiên cố. Nếu có cầu, việc đi lại, vận chuyển nông, lâm sản và hàng hóa của người dân thôn Đại Định nói riêng, người dân thôn Năng An, Hội An nói chung sẽ được tiện lợi.

Đặc biệt, các loại nông, lâm sản và vật nuôi, nhất là con heo - vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế chính tại địa phương sẽ được giá hơn mỗi khi bán cho thương lái vì đường chuyên chở được kết nối thuận tiện, thông suốt”, ông Thanh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.