Thi công “nước rút” trên công trường dự án Tây Nghệ An. |
Làm đường giữa… đỉnh trời
Từ thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong ngược lên phía Tây khoảng 30 km theo con đường láng nhựa êm thuận, chúng tôi đến Tri Lễ, một xã biên giới miền Tây xứ Nghệ vốn nổi tiếng cả nước với “ma túy và thuốc phiện”. Kỹ sư Nguyễn Duy An, Phó trưởng phòng 1, Ban QLDA CTGT Nghệ An giới thiệu cho tôi đây là điểm đầu của dự án giai đoạn 2 nhưng cũng là điểm cuối của dự án giai đoạn 1 hoàn thành cách đây gần 5 năm. Chúng tôi phải đổi sang xe bán tải để vào tuyến vì mấy hôm nay cả khu vực Tây Nghệ An đang hứng chịu những trận mưa sớm đầu mùa, đường lầy, dốc đá chỉ phù hợp xe hai cầu.
Với tuyến đường Tây xứ Nghệ, quãng đường từ huyện Quế Phong đi Tương Dương, Kỳ Sơn giảm còn một nửa. Hàng vạn đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú có thể bám đồi, bám rừng khi có đường ô tô chạy tới tận bản, bớt được việc phải du canh, du cư, tìm nơi giao thông thuận lợi sinh sống. Câu chuyện 11 xã chưa có đường vào hai mùa, ba xã chưa có đường vào bốn mùa sẽ sớm kết thúc khi tuyến Tây xứ Nghệ hoàn thành và đưa vào sử dụng như một món quà ý nghĩa của ngành GTVT Nghệ An chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc tới đây. |
Con đường gập ghềnh, uốn lượn qua các ngọn đồi cao tít giữa lưng trời, xe chúng tôi chậm rãi băng qua từng con dốc thẳm. Gặp kỹ sư Chu Văn Chanh, Đội trưởng thi công gói thầu TNA số 17, Công ty CP xây dựng Tân Nam vừa trở về lán nghỉ hồi sức sau một đêm đánh vật với hơn 10 nghìn m3 đất sụt trượt ở dốc Phà Khốm, anh cho biết vừa thông tuyến tại vị trí sụt trượt Km 102+800 và công nhân đang rải đá láng nhựa nốt 1 km giữa dốc, phấn đấu ngày 15/6 hoàn tất láng nhựa, chuyển sang thi công hệ thống cọc tiêu và hộ lan trên tuyến.
Được biết gói thầu số 17 là một trong hai gói thầu khó thi công nhất ở dự án này, do gặp phải núi đá trấn giữa tim đường, toàn bộ tuyến nằm trên triền dốc Phà Khốm dựng đứng, nơi cao nhất lên đến 1.100 m so với mực nước biển. Trên tuyến có hai dốc cao tới 45o, địa thế bên núi, bên vực khiến cho việc vận chuyển vật liệu và thiết bị lên công trường gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị phải dùng xe kéo xe vượt dốc, đưa dây chuyền khai thác đá, tận dụng đá vôi làm vật liệu thi công tại chỗ…
Sau gần 10 năm triển khai, qua nhiều khó khăn về nguồn vốn, hiện dự án xây dựng tuyến Tây Nghệ An đang ở giai đoạn “nước rút”. Tới đây, 106 km đường thuộc giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành. Khi đó, gần 200 km Tây Nghệ An sẽ kết nối cùng QL7, QL48, đường HCM không chỉ trở thành mạng lưới giao thông đồng bộ, giúp giữ vững thế trận quốc phòng, an ninh nơi vùng biên mà còn tạo động lực phát triển KT-XH, hàng vạn đồng bào người dân tộc ở ba huyện nghèo miền Tây xứ Nghệ sẽ sớm thoát nghèo. |
Còn tại gói thầu số 18 do Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng CTGT Bắc Miền Trung thi công, nhà thầu đang lo ngại nguồn đá. “Đến thời điểm này, do nhu cầu cao khiến đá càng trở nên khan hiếm, giá vận chuyển từ đầu tuyến vào đến công trường đắt gấp ba lần giá đá. Vì thế, anh em trên công trường vẫn thường nói vui với nhau là “đá vôi quý như vàng”, kỹ sư Nguyễn Trần Nam, Chỉ huy trưởng gói thầu TNA số 18 chia sẻ.
Kỹ sư An tâm sự với chúng tôi về những khó khăn: Tuyến mới, lại độc đạo, đi qua vùng rừng núi cheo leo hiểm trở của ba huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn. 184 km nhưng chỉ có gần 10 điểm có dân cư. Các đơn vị thi công đã phải dùng đường chính tuyến làm đường công vụ, khi thi công các cầu trên tuyến, phải làm cầu tạm, đường tránh nhưng cứ vào mùa mưa là bị nước lũ cuốn trôi. Điển hình như để hoàn thành cầu Nậm Nơn, nhà thầu Hòa Hiệp bị nước lũ cuốn mất hai cầu tạm, một cầu phao.
Ăn nòng nọc, uống nước suối… đi mở đường
Đối với kỹ sư An, người đã gắn bó với dự án ngay từ thời “trứng nước”, 10 năm thi công dự án thật khó quên. Kỹ sư An kể, năm 2005, sau khi dự án chính thức được phê duyệt, anh cùng với đội ngũ cán bộ của Ban mất tới 7 ngày trời cuốc bộ, lội suối, băng rừng đi khảo sát 100 km chiều dài tuyến. Từ thời tiết khắc nghiệt của núi rừng Tây Nghệ An “sáng nắng, chiều mưa”, rồi một ngày đêm vượt dốc cao, suối sâu trong cái bụng rỗng tuếch, anh em đều nếm cả.
Cơ hội thoát nghèo cho miền Tây xứ Nghệ Giám đốc Sở GTVT Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Kỳ cho biết: Dự án Tây Nghệ An có tổng giá trị 2.127 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn ngân sách và vốn địa phương, do khó khăn về vốn nên dự án phải triển khai làm hai giai đoạn. Dự án Tây xứ Nghệ là dự án lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung. Dự án không chỉ giúp phá thế cô lập của ba huyện miền núi giáp biên giới Việt - Lào mà còn góp phần đảm bảo quốc phòng, an sinh xã hội và phát triển kinh tế cho khu vực. Tuyến đường kết nối với hệ thống đường giao thông hiện hữu như QL48, QL7, đường HCM sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch Bắc - Nam thứ ba của Nghệ An, kết nối cửa khẩu Na Mèo của Thanh Hóa với các cửa khẩu như: Thông Thụ, Nậm Cắn, Tam Hợp của tỉnh Nghệ An với các tỉnh phía Đông nước bạn Lào. |
“Ngày thứ 5, sau khi đi được tổng quãng đường dài hơn 70 km, chúng tôi dường như không còn sức bước tiếp. Đêm tối vừa mệt vừa đói, nước uống, thức ăn mang đã hết từ trưa, cả nhóm phải vào bản “xin ăn”. Thế nhưng, vào đúng mùa giáp hạt, người dân bản nghèo gạo ăn còn không có, huống hồ làm cơm mời khách”, kỹ sư An nói.
Vậy là, giữa đêm khuya, những chàng trai phố bất đắc dĩ phải mượn lưới ra suối đánh cá, còn dân bản đi bẻ măng, lấy rêu đá làm đồ ăn cho cán bộ. Ngoài mấy con cá suối to hơn đầu đũa, thứ mà những người kỹ sư giao thông bắt được chỉ là vốc “cá bống đen”, sau khi về mới biết là nòng nọc. “Cá lẹp, nòng nọc được dân bản địa cho vào nồi nước cùng mấy ống măng rừng. Món mà dân bản địa gọi là “chẻo”. Đói quá, mọi người phải nhắm mắt, bịt mũi ăn cho đầy dạ, có người trong đoàn kinh hãi không dám ăn, rồi sau thấy tiếc vì… quá đói”, kỹ sư An nhớ lại.
Không chỉ chuyện sinh hoạt, chúng tôi còn được biết chuyện cả Tổ TVGS thay nhau ngã xe, trượt dốc. Tư vấn trưởng 4, gói thầu từ 16-19, kỹ sư Lê Thanh Bình kể lại chuyện ngoài hơn chục lần bị bong gân, trầy da, đổ máu do trượt ngã trên núi cao, dốc thẳm, thì một lần anh đã chết hụt nơi công trường: “Hôm đó, sau cơn mưa rừng xuyên đêm, sợ có sạt lở làm tắc đường nên tôi cùng hai kỹ sư dùng xe máy đi kiểm tra hiện trường.
Khi xe đổ dốc Phà Khốm (con dốc dựng đứng ở độ cao gần 1.000m), đường dốc trơn trượt khiến xe anh đổ nhào. Cả người và xe đổ lộn nhiều vòng từ đỉnh dốc xuống chân dốc, lịm đi trong chốc lát, tôi thấy máu chảy đỏ bùn, xe máy đang đè lên người, toàn thân đau không cựa được. Anh em phải làm cáng, khiêng ra lán cách đó hơn 1 km rồi dùng máy ủi đi hơn 4 giờ ra trạm y tế xã Tri Lễ băng bó vết thương. Sau đó, thấy tình trạng có vẻ nguy kịch, tôi được anh em chuyển gấp lên Bệnh viện Quế Phong cấp cứu. Bình phục, kỹ sư Bình lại quay trở lại công trường tiếp tục dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận