Giờ cao điểm sáng nay (27/10), có mặt trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông ghi nhận của PV Báo Giao thông sau gần một năm vận hành loại hình vận tải hành khách công cộng mới này đã thu hút đông đúc người dân sử dụng.Từ ga Yên Nghĩa lúc 7h20’ nườm nượp khách tới di chuyển để đi làm.
Ngay từ ga đầu đã lấp kín ghế ngồi, một số hành khách phải đứng sử dụng tay nắm.
Hành khách đa dạng ở đủ mọi lứa tuổi. Trong ảnh, người dân mang xe đạp lên để kết nối tới nơi làm việc sau khi xuống tàu
Theo nhân viên Hanoi Metro, vào khung giờ cao điểm hàng ngày từ 7h15-7h50, ở khu vực 12 ga tàu luôn trong tình trạng đông nghẹt hành khách di chuyển lên/xuống.
Chị Chu Thị Hải Yến - làm nhân viên văn phòng cho một đơn vị trên đường Nguỵ Như Kon Tum (Thanh Xuân) bày tỏ niềm phấn khởi sau gần một năm là khách ruột di chuyển bằng tàu điện.“Từ lúc đi tàu điện tôi có thêm thời gian đi bộ, trước đây đi xe máy chẳng có thời gian nào để thể dục thể thao. Di chuyển bộ hành hơn 1km từ ga Vành đai 3 xuống chỗ làm cũng không vấn đề, tôi thấy quen rồi và cảm nhận mình được thư thả hơn khi đi bộ trong khoảng cách đó”.
Cùng chung cảm nhận, anh Nguyễn Văn Chiến (Hà Đông, Hà Nội) nhìn nhận: "Với đường riêng, tàu điện lưu thông nhanh, thuận tiện. Mới đây đơn vị vận hành điều chỉnh thời gian giãn cách chạy tàu từ 10 phút giảm xuống 6 phút nên việc di chuyển của tôi cũng như nhiều hành khách cảm thấy thuận tiện hơn, nếu có lỡ chuyến không phải chờ lâu".
Các khoang ghế ngồi đều chật kín hành khách đi học, đi làm
Một cháu bé sau giờ cao điểm được gia đình cho đi chơi. Trong ảnh cháu gái đang ngắm nhìn TP từ trên tàu điện
Nhân viên nhà ga hướng dẫn một số khách từ TP. HCM tới Hà Nội công tác
Những khách "ruột" đã quen thuộc với các thao thác quẹt thẻ để đi tàu
Học sinh, sinh viên cũng chiếm số lượng lớn sử dụng tàu để đi học
Theo Hanoi Metro, giờ cao điểm sáng, chiều hàng ngày, các toa tàu điện từ Yên Nghĩa về ga Cát Linh và ngược lại luôn chật cứng hành khách. Phần nhiều hành khách sử dụng tàu điện là dân văn phòng, công sở đi làm và học sinh, sinh viên đi học. Tính từ đầu tháng 10 tới nay, trung bình hơn 32.000 lượt khách đi mỗi ngày, có tới hơn 70% hành khách sử dụng vé tháng.Vào giờ cao điểm số lượng người đi vé tháng chiếm tới 85%.
Còn tính từ tháng 11/2021 (thời điểm bắt đầu vận hành thương mại) đến nay, tuyến đường sắt này đã vận chuyển khoảng hơn 6,5 triệu lượt hành khách. Lưu lượng hành khách vào giờ cao điểm hiện nay đạt 5.000-6.000 lượt khách. Việc lượng hành khách tăng cao đã là minh chứng cho ưu điểm của đường sắt đô thị đó là an toàn, tiện nghi, nhanh chóng, đúng giờ.
Ông Vũ Hồng Trường - TGĐ Hanoi Metro cho rằng, việc lượng hành khách tăng cao đã là minh chứng cho ưu điểm của đường sắt đô thị đó là an toàn, tiện nghi, nhanh chóng, đúng giờ.
Ông Vũ Hồng Trường cũng khẳng định, Hanoi Metro đã xây dựng được đội ngũ quản lý, vận hành, là lực lượng nòng cốt để sắp tới vận hành các tuyến đường sắt đô thị khác như tuyến Nhổn-ga Hà Nội, giảm dần việc sử dụng chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, còn có thể sẵn sàng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận