Thời gian qua, nhiều địa phương ở Bạc Liêu bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, xâm nhập mặn, đường giao thông bị hư hỏng, nhà cửa của người dân bị sụt lún, nứt vách, nền bị nghiêng.
Tại buổi khảo sát chiều 31/7, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã có chỉ đạo kịp thời, giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Trò chuyện cùng PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Dữ (ngụ ấp Tà Ben, xã Ninh Hoà, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) nói: "Tôi năm nay 71 tuổi, nhưng lần đầu tiên chứng kiến cảnh sụt lún, sạt lở kinh hoàng "nuốt trôi" cả một đoạn đường giao thông bị trôi xuống sông".
Lần đầu tiên thấy cảnh sụt lún kinh hoàng
Ông Dữ chia sẻ, vị trí sụt lún, sạt lở phía trước nhà ông xuất hiện từ cuối tháng 6. Trước đó, đoạn đường này không có dấu hiệu bất thường.
"Con đường dài hơn 3km, vừa khánh thành không được bao lâu, người dân nơi đây chưa hết vui mừng thì đã đã chứng kiến cảnh sụt lún, đi lại khó khăn, giao thông chia cắt.
Sáng hôm xảy ra sự việc, tôi còn đi ra trước nhà thấy xe chạy bình thường. Đến khoảng 11h cùng ngày, đoạn đường dài khoảng 60m trước nhà tôi bất ngờ bị sụt lún, sâu hơn 1m. Tôi hoảng hốt, hàng xóm cũng ngỡ ngàng, vì hàng chục năm qua chưa thấy sụt lún đất kinh hoàng như vậy", ông Dữ chia sẻ.
Ông Võ Văn Lễ, Bí thư Chi bộ ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân cho biết, trên địa bàn ấp có hai điểm cả sụt lún và sạt lở với chiều dài gần 400m và xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ khác.
Theo ông Lễ, khi tuyến đường bê tông được đưa vào sử dụng thì bà con ai nấy đều vui mừng vì thuận lợi cho việc đi lại, học hành, buôn bán… Nhưng giờ sụt lún vậy, người dân mong các cấp chính quyền sớm khắc phục để người dân đi lại an toàn.
"Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ mà chưa bao giờ thấy tình trạng sụt lún nặng nề như năm nay", ông Lễ chia sẻ thêm.
Chứng kiến một đoạn đường giao thông bị sụt lún, ông Nguyễn Văn Việt ở ấp Ninh Tiến, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân cũng chưa hết bàng hoàng, ông nói: "Đây là hiện tượng chưa từng thấy trên địa bàn huyện. Mấy chục năm rồi tôi cũng mới thấy cảnh tượng như vậy.
Ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư huyện ủy Hồng Dân cho biết, do ảnh hưởng của nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài, vùng ngọt ổn định của huyện bị khô hạn, mực nước trên các sông rạch xuống thấp.
Từ đó, xảy ra tình trạng sạt lở bờ kênh, sụt lún các tuyến đường giao thông và nhà dân của bốn đơn vị, gồm: thị trấn Ngan Dừa, các xã Ninh Quới, Ninh Quới A và Ninh Hoà.
Cụ thể, tổng chiều dài các tuyến sạt lở là 3.460m. Trong đó, sụt lún các tuyến đường ô tô tổng chiều dài khoảng 2km; làm thiệt hại 5 căn nhà của người dân.
Trước mắt, UBND huyện Hồng Dân đã chỉ đạo các địa phương khắc phục chỗ ở ổn định cho 5 hộ dân, khắc phục cơ bản các đoạn sạt lở. Riêng đoạn sụt lún khoảng 2km chỉ khắc phục tạm vì chưa thể cân đối được nguồn lực.
Bỏ nhà chạy sạt lở
Khi có đoàn đến khảo sát, bà Phan Thị Thu Nguyệt (ngụ khóm 6, phường 5) chưa hết bàng hoàng kể lại: "Vụ sạt lở xảy ra vào cuối tháng 6/2024 đã làm toàn bộ căn nhà sau của tôi bị trôi xuống sông trong đêm, sạt lở diễn ra quá nhanh, khiến gia đình tôi không kịp trở tay.
Bây giờ, tôi đã di dời vật dụng trong nhà đến nơi an toàn hết rồi, căn nhà này gắn bó hàng chục năm qua, giờ phải bỏ nhà trống chứ biết phải làm sao, sạt lở như vậy ở lại nguy hiểm lắm".
Hơn một tháng trước, tình trạng sạt lở đất bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng trên địa bàn thị xã Giá Rai, làm ảnh hưởng nhiều nhà dân sống dọc tuyến sông đoạn qua các xã Tân Phong, Phong Thạnh và phường Hộ Phòng.
Trước đó, vào năm 2023, khu vực này cũng đã xảy ra sạt lở chiều dài sạt lở khoảng 2,6km (tuyến đường này là khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao, có 458 hộ dân sinh sống theo tuyến này).
Ông Nguyễn Văn Sen (ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai) cho biết, trước đây, phía sau nhà ông còn đất thị và cây mắm xung quanh, nhưng do sạt lở bây giờ đã ăn sát vào kè nhà sau, nguy cơ sạt lở tiếp tục rất cao.
Đề đảm bảo an toàn gia đình đã phải di dời hết những đồ có giá trị lên phía nhà trên an toàn, không dám để nhà sau vì lo sợ sạt lở là mất hết. Nhiều vách nhà người dân gần đây cũng cho thấy dấu hiệu nứt, nền nhà bị nghiêng.
Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai cho biết, về lâu về dài, tỉnh cần khẩn trương xây dựng quy hoạch tổng thể những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, sạt lở để từ đó có cơ chế, chính sách đầu tư và xây dựng các công trình, dự án phòng, chống khắc phục.
"Đồng thời, có dự án sắp xếp di chuyển dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, tránh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.
Xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng - thủy văn hiện đại, đồng bộ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm", ông Thắng chia sẻ thêm.
Trước diễn biến sụt lún, sạt lở khó lường do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hôm 31/7, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đã cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế và đã có chỉ đạo khẩn trương khắc phục sạt lở, gia cố lại các điểm đã bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở.
Cùng với đó, làm các tuyến đường tạm để người dân tại các khu vực bị sạt lở, sụt lún có thể đi lại được, sớm ổn định cuộc sống.
Đồng thời, các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại do sạt lở, sụt lún gây ra, hỗ trợ kịp thời cho các hộ bị thiệt hại.
"Quan trọng là rà soát cụ thể từng nhà, nếu cần thiết cần xem xét di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn và giải quyết kịp thời chế độ theo quy định về an sinh xã hội, kiên quyết không để người dân ở tại các điểm sạt lở này", Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng lưu ý các sở, ngành và địa phương bị ảnh hưởng bởi sạt lở, sụt lún phải rà soát kỹ.
"Nếu đủ điều kiện, tỉnh sẽ cân nhắc công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở tại vùng bị ảnh hưởng", ông Hùng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận