Qui định này xuất phát từ tình trạng trước đây các doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất lắp ráp đặt hàng nhập khẩu hoặc sản xuất các loại sơmi rơmooc để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng nhằm chở được nhiều loại hàng hóa (chở hàng đa năng) như: sắt thép, vật liệu và container… Tình trạng này dẫn tới việc các phương tiện không được thiết kế tối ưu, thiết kế phân bố khối lượng lên mâm kéo của xe đầu kéo thấp, phần lớn tải trọng lại dồn vào cụm trục sau dẫn đến quá tải trục.
Sẽ có 7.105 xe sơmi rơmooc các loại được được điều chỉnh để tăng tải trọng cho phép tham gia giao thông. |
Để tháo gỡ tình trạng này, Bộ GTVT cho phép điều chỉnh tăng tổng tải trọng cho phép tham gia giao thông lên 33 tấn đối với 3.465 sơmi rơmooc 2 trục chở container và lên 38 tấn đối với 3.640 sơmi rơmooc 3 trục chở container với điều kiện không vượt quá tổng tải trọng thiết kế của phương tiện.
Thực hiện việc điều chỉnh này, Bộ GTVT đồng ý với Cục Đăng kiểm VN cho phép điều chỉnh thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục hoặc đồng thời điều chỉnh cả chốt kéo và vị trí cụm trục của sơmi rơmooc đối với các trường hợp trên để đảm bảo sơmi rơmooc không còn vi phạm tải trọng trục khi lưu hành, sau khi đã được điều chỉnh tổng tải trọng cho phép tham gia giao thông. Việc điều chỉnh này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2014.
Đối với các sơmi rơmooc không thực hiện thay đổi vị trí chốt kéo và vị trí cụm trục, sau ngày 31/12/2014 sẽ chỉ cấp Giấy chứng nhận kiểm định theo các giá trị như trước khi được điều chỉnh theo qui định trên. Đối với các trường hợp này, các xe buộc phải hạ tổng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông để không vi phạm quá tải trọng trục theo qui định hiện nay tại .
Tại văn bản này, Bộ GTVT cũng cho phép điều chỉnh trong hồ sơ phương tiện theo giá trị tự trọng thực tế của ôtô gia cường khung xe (xạp sắt xi), thêm tôn sàn, thành thùng (gia cường thùng hàng), sơmi rơmooc khung xương chở container đã trải tôn sàn.
Đối với ô tô tải có cần cẩu, những xe có tự trọng thực tế lớn hơn qui định cho phép không quá 50% cũng được phép điều chỉnh trong hồ sơ phương tiện theo giá trị thực tế của bản thân. Đối với những xe mà tự trọng thực tế lớn hơn 50% khối lượng cho phép theo qui định, phải cải tạo theo qui định tại Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT.
Với ôtô xi téc được nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, cải tạo trước ngày 1/10/2012 có thể tích xi téc không phù hợp với qui định tại Thông tư 32/2012/TT-BGTVT và có khối lượng hàng chuyên chở thực tế lớn hơn nhưng không quá 20% so với qui định, tiếp tục được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định nhưng khi tham gia giao thông phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ cấp giấy phép lưu hành đặc biệt.
Đối với ô tô tải tự đổ, ô tô xi téc nhập khẩu, sản xuất lắp ráp, cải tạo trước ngày 1/10/2012 có thùng hàng, xi téc không phù hợp qui định tại Thông tư 32/2012/TT-BGTVT và có nhu cầu tự nguyện cắt giảm thể tích thùng hàng, xi téc được miễn thủ tục thiết kế, thẩm định thiết kế khi thực hiện cải tạo theo qui định.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết: “Ngay trong ngày mai (12/7), Cục sẽ tiến hành việc điều chỉnh, cải tạo đối với các loại phương tiện này đối với các phương tiện nêu trên trên địa bàn Hải Phòng”.
Để các doanh nghiệp có phương tiện thuộc diện được phép cải tạo để tăng tải trọng khi tham gia giao thông, Cục Đăng kiểm VN sẽ công bố toàn bộ danh sách 7.100 phương tiện nêu trên tại Trang thông tin của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm VN và Báo Giao thông.
Tiến Mạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận