Bộ GTVT vừa hoàn thành Đề án đảm bảo hành lang, xử lý lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia và đề xuất vốn thực hiện lên tới hơn 7.300 tỷ đồng...
Hơn 4.100 lối đi tự mở cần xử lý
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Võ Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông Cục Đường sắt VN cho biết, việc xây dựng đề án đã cơ bản hoàn thành, Bộ GTVT đang hoàn tất các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo ông Hiền, trên các tuyến đường sắt quốc gia hiện có tới 4.100 lối đi tự mở (LĐTM) và 1.514 đường ngang các loại. TNGT đường sắt chủ yếu xảy ra tại khu vực các LĐTM và các đường ngang này, đặc biệt là các đường ngang biển báo. Số vụ TNGT đường sắt xảy ra trên các LĐTM và đường ngang chiếm gần 60% tổng số vụ TNGT đường sắt. Cùng đó, trên hệ thống đường sắt vẫn còn tồn tại hơn 13 nghìn vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt và gần 1.600 vị trí tiềm ẩn TNGT đường sắt cần được giải tỏa.
Đề án chia làm hai giai đoạn thực hiện: Giai đoạn từ nay đến năm 2020; Giai đoạn 2020 - 2025 cùng nhiều nhóm giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền pháp luật ATGT đường sắt, giải tỏa vi phạm hành lang, cắm mốc giới đất đường sắt, xây dựng hàng rào, đường gom xóa LĐTM, thu hẹp LĐTM...
Trong đó, đề án đặt mục tiêu xây dựng hơn 675 km đường gom và hàng rào ngăn; Xây dựng mới 305 đường ngang; Xây dựng 149 hầm chui; Xây dựng 2 cầu đường bộ vượt đường sắt (thuộc quy hoạch phát triển giao thông của TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An).
Ông Hiền cho biết, khái toán thực hiện xử lý các vị trí LĐTM và hành lang đường sắt cần tới hơn 7.365 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện xử lý LĐTM hơn 6.669 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2020 là 2.312 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2025 hơn 4.357 tỷ đồng.
“Với kinh phí này sẽ xóa bỏ hoàn toàn LĐTM vào năm 2025, theo đúng lộ trình Nghị định 65/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt 2017”, ông Hiền thông tin.
Huy động kinh phí thế nào?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc phụ trách Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, những giải pháp tổng thể đề án đưa ra là phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, với mức kinh phí lên đến hơn 7.300 tỷ đồng, huy động sẽ rất khó.
“Vấn đề xử lý LĐTM đặt ra từ lâu, điển hình là Kế hoạch 1856 và sau này thay thế bằng Kế hoạch 994; Nhưng do nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương rất hạn hẹp, chưa bố trí được nên nhiều dự án, công trình kéo dài hoặc phải giãn, dừng dự án. Vì vậy, cần phân định rõ nguồn vốn thực hiện, trong đó có cả trách nhiệm huy động của địa phương”, ông Mạnh nói.
Chia sẻ thêm, ông Võ Thanh Hiền cho hay, đề án lần này xác định rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng chủ thể, trong đó có địa phương trong thực hiện. Đề án cũng xác định cụ thể nguồn kinh phí và bố trí vốn thực hiện bao gồm: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn lực xã hội.
Cụ thể, kinh phí lập hồ sơ quản lý hành lang ATGT đường sắt và cắm mốc giới hành lang trong khu vực đô thị; kinh phí xử lý các vị trí vi phạm hành lang tiềm ẩn TNGT đường sắt tổng cộng khoảng 498 tỷ đồng sẽ được tăng cường bố trí thêm nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế bảo trì KCHT đường sắt hàng năm.
Kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở theo địa bàn của từng địa phương cũng được phân bổ cụ thể. Trong đó, sẽ sử dụng hơn 236 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương (giai đoạn 2016 - 2020) bố trí cho đường sắt để xây dựng 29,7km đường gom. Số vốn còn lại 4.634 tỷ đồng sẽ sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và từ ngân sách Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994.
Kinh phí xây dựng đường ngang, hầm chui khoảng 1.799 tỷ đồng cũng được lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương bố trí cho Kế hoạch 994 và vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020 - 2025. Riêng khoản kinh phí thực hiện xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao với đường sắt quốc gia tại Km 76+970 thuộc tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân 198 tỷ đồng do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bố trí.
Địa phương tìm giải pháp huy động vốn
Về phía địa phương, ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho rằng, Luật Đường sắt đã quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong quản lý, xử lý, xóa bỏ LĐTM và hành lang đường sắt. Vì vậy, địa phương cũng phải tìm giải pháp huy động. Nguồn thu từ xử phạt hành chính vi phạm ATGT cũng là một biện pháp.
Ông Bôn cũng chia sẻ mô hình “3 bên” đã thực hiện hiệu quả tại Đồng Nai thời gian qua. Trong đó, tỉnh bỏ kinh phí để làm hàng rào; huyện bỏ kinh phí làm đường gom như thuê máy móc, nhân công, vật liệu; người dân tự nguyện “cắt” phần đất chồng lấn hành lang ATGT để làm đường gom. “Với cách làm này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã rào xóa bỏ 52/66 LĐTM; hoàn thành hơn 6km đường gom, đồng thời lắp đặt hơn 11,7km hàng rào tôn lượn sóng để xóa bỏ LĐTM và bảo vệ hành lang đường sắt”, ông Bôn nói.
Ông Hoàng Hải Bình, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hưng Yên cũng chia sẻ, đã là trách nhiệm của địa phương, địa phương phải tìm cách để có vốn thực hiện, kể cả xã hội hóa. Ông Bình nêu ví dụ, tỉnh Hưng Yên đã lập dự án làm khoảng 450m hàng rào, đường gom với kinh phí đầu tư dự kiến 2,8 tỉ đồng để đóng các LĐTM tại Phố Mới đường tàu (thôn Minh Khai), thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Để có vốn thực hiện, tỉnh đang kêu gọi các hộ dân khu phố đóng khoảng 1 tỉ đồng cho chi phí đổ bê tông, còn lại tỉnh chịu chi phí làm nền đường và cống thoát nước. Riêng về phần hàng rào, tỉnh đề nghị ngành Đường sắt hỗ trợ xây dựng, có thể tận dụng các vật tư thu hồi như ray, tà vẹt bê tông. Dự án nhận được sự ủng hộ tích cực của các bên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận