Đường bộ

Hơn 7.800 tỷ đồng nâng cấp 5 tuyến quốc lộ kết nối với Lào

28/02/2022, 15:57

Ban QLDA 4 vừa đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

Các tuyến quốc lộ được đề xuất gồm: QL279 đoạn Điện Biên - Tây Trang; QL217 từ cửa khẩu Na Mèo đến QL1A; QL12C đoạn Vũng Áng - Đường HCM; QL12A đoạn Khe Ve - Cha Lo; QL15D nối từ cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay.

"Mục tiêu nâng cấp các tuyến quốc lộ trên nhằm tăng cường kết nối bền vững hành lang Đông - Tây tạo tiền đề lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội vùng và mở rộng cửa ngõ ra biển; đồng thời thúc đẩy giao thương với Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan thông qua cải tạo, nâng cấp các hành lang đường bộ nối cảng biển với cửa khẩu", Ban QLDA 4 thông tin.

img

Một đoạn Q15D qua Quảng Trị

Theo đó, tuyến QL279 đoạn Điện Biên - Tây Trang có chiều dài hơn 45 km, chia làm 3 đoạn được đề xuất đầu tư theo quy mô đường cấp III miền núi, mặt đường rộng 8 m, vận tốc thiết kế 60km/h.

Tuyến QL217 đoạn QL1 đến đường HCM có chiều dài hơn 58 km được đề xuất đầu tư nâng cấp theo quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế 80km/h.

QL12C đoạn Cảng Vũng Áng đến đường HCM có tổng chiều dài hơn 86 km, được đầu tư theo quy mô cấp III đồng bằng và cấp III miền núi tùy theo đoạn tuyến, mặt đường rộng 12m, vận tốc thiết kế 60Km/h.

Tuyến QL12A đoạn Khe Ve - Cha Lo có tổng chiều dài 48 km, nâng cấp đường hiện tại để đảm bảo quy mô đường cấp III miền núi, mặt đường rộng 8m, vận tốc thiết kế 60km/h.

Cuối cùng là tuyến QL15D đoạn cảng Mỹ Thủy đến cửa khẩu La Lay có tổng chiều dài là 22 km, đầu tư nâng cấp theo quy mô cấp III đồng bằng và cấp III miền núi tùy theo từng đoạn tuyến của dự án, mặt đường rộng 11m, vận tốc thiết kế đạt 80km/h.

Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án hơn 7.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 341 triệu USD. Trong đó, vốn vay WB khoảng hơn 5.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 243 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí dự phòng. Vốn đối ứng: khoảng hơn 2.260 tỷ đồng (tương đương khoảng 97,81 triệu USD) sử dụng cho các hạng mục chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác; chi phí giải phóng mặt bằng và các loại thuế.

Thời gian thực hiện trong vòng 5 năm sau khi hiệp định tài trợ cho dự án có hiệu lực (dự kiến từ năm 2023 đến năm 2027).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.