Phụ nữ là đối tượng bị tác động nhất nếu các công đoạn trong ngành dệt may được thay thế bằng máy móc - Ảnh: K.Linh |
Cuộc “đổ bộ” của người máy và trí tuệ nhân tạo
Trong phiên thảo luận tại hội nghị, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam thông tin: “Tôi mới nhận được thư mời của Ban Kinh tế T.Ư tham dự một hội nghị dự kiến tổ chức vào hai ngày 12-13/7 tới. Tại hội nghị này, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ mang robot đầu tiên được cấp quyền con người có tên Sofia tới và sẽ sẽ có màn giao lưu ngay tại hội nghị”. Ông Thinh đề cập tới robot Sofia để nhấn mạnh tới vấn đề trí tuệ nhân tạo và tác động của nó tới việc làm của con người trong vòng 10 năm tới. “Việc làm trong 10 năm tới sẽ có rất nhiều thay đổi”, ông Thinh nhận định.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, thời gian tới, hàng triệu việc làm do con người đảm nhận sẽ được thay thế bằng máy móc nên hàng triệu người có thể bị mất việc làm. Ông Kamal Malhotra dẫn số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, 14% công việc đã được tự động hóa, 23% việc làm tại các nước đang phát triển sẽ được thay thế bằng máy móc tự động hóa. Trong đó, 86% việc làm trong ngành dệt may, da giày, 13% lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp đứng trước nguy cơ mất việc. Con số này cũng sẽ tương ứng tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH Lê Kim Dung cũng lưu ý, riêng trong ngành da giày, dệt may đang có 80% lao động là nữ. Nên phụ nữ là đối tượng bị tác động nhất chiếu theo đánh giá tình hình mất việc mà ông Kamal Malhotra đề cập.
Đề xuất đánh thuế người máy
Trước cơn lốc tự động hóa và sự tham gia của máy móc, ông Kamal Malhotra cho biết đã có đề xuất đánh thuế đối với người máy để tránh khoảng cách thu nhập. Ông cũng khuyến nghị Việt Nam tăng cường đào tạo cho người lao động trong các DN nhỏ và vừa đi cùng với phân phối thu nhập để tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam đã đưa ra 3 yếu tố quyết định tương lai việc làm của Việt Nam. Ông cho biết, cuốn sách “Tương lai việc làm Việt Nam” là ấn bản mới nhất của WB, thực hiện theo đặt hàng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từ năm 2016 nhằm tiến hành một cuộc chẩn đoán sâu về tình hình việc làm trong nước để có những bước đi phù hợp. Từ những nghiên cứu, phía WB phát hiện có 3 yếu tố cần phải ăn khớp với nhau để đảm bảo việc làm ngày càng tốt hơn ở Việt Nam. Đó là ngành hiện đại, ngành truyền thống, lực lượng lao động và các thể chế thị trường lao động.
“Ngành hiện đại là nơi có các công việc tốt nhất của Việt Nam - cung cấp năng suất lao động và tiền lương cao hơn và các lợi ích xã hội tốt hơn”, đại diện WB nói. Điểm mấu chốt của ngành này được WB chỉ ra là Việt Nam phải tránh xa khỏi vị trí “công xưởng” của thế giới và tận dụng được những cơ hội chưa được làm tốt trước đây.
Bánh răng thứ hai là việc làm trong ngành truyền thống với vai trò quan trọng trong nền kinh tế bởi đây là nguồn việc cho những người yếu thế (dân tộc, người già, người ít học vấn). Việc tích hợp các công việc của ngành truyền thống vào nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm nghèo. Ví dụ, như chuyển dịch từ trồng lúa sang trồng cà phê, hạt tiêu với mức tiền thu được gấp 3 - 5 lần.
Cuối cùng là lực lượng lao động và thể chế thị trường lao động. Con người là nhân tố cần thiết cho sự tăng trưởng của Việt Nam khi bước thêm các nấc thang kinh tế toàn cầu. Do vậy, yêu cầu đặt ra là Chính phủ và khu vực tư nhân phải xây dựng kỹ năng cho việc làm. Đó là khả năng linh hoạt, nhận thức bậc cao và cảm xúc xã hội cũng như các kỹ thuật có thể chuyển giao được giữa các ngành. “Chúng cần hoạt động giống như bánh răng trong một cỗ máy, duy trì sự hài hòa và phối hợp để giữ cho “máy tạo việc làm” hoạt động trơn tru”, ông Ousmane Dione nói.
Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, tương lai việc làm nằm trong tay khối doanh nghiệp tư nhân. “Phải có khu vực tư nhân sôi động để tạo việc làm. Số lượng việc làm tạo ra trong khu vực này sẽ bù trừ cho số lao động mất việc hàng năm”, đại diện WB nói và lưu ý việc làm cũng sẽ được tạo thêm khi các DN tư nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn mức hiện nay và kết nối với các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như khối kinh tế khác trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận