Vì sao 27 điểm trở lên vẫn trượt đại học?
Mới đây, sau khi Học viện Ngân Hàng công bố điểm chuẩn, một phụ huynh có con trượt nguyện vọng chia sẻ: "Con tôi được 27 điểm nhưng trượt Học viện Ngân hàng.
Con ở trong phòng khóc cả tối nay. Tôi làm mẹ mà xót con quá. Tôi đang phải tìm phương án dự phòng cho con vì trượt rồi cũng phải đối mặt với sự thật".
Tương tự một thí sinh với tổng điểm khối C00 là 27,5 cũng "hết nước mắt" vì trượt cả 5 nguyện vọng đầu tiên đặt vào trường ĐH Sư phạm bởi điểm chuẩn đều trên 28.
"Với điểm trên 9 mỗi môn, em khá tự tin khi đặt các nguyện vọng vào ĐH Sư phạm Hà Nội. Hụt hẫng không thể tả nổi bởi điểm chuẩn quá cao".
Không ít thí sinh trong kỳ xét tuyển đại học lần 1 đã trượt các nguyện vọng mong muốn dù điểm tổ hợp rất cao. Điều này khiến nhiều phụ huynh cho rằng "lạm phát" điểm chuẩn như hiện nay là điều bất thường.
Lý giải việc thí sinh có điểm tổ hợp "cao chót vót" vẫn trượt đại học, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Điểm chuẩn năm nay nhiều trường tăng mạnh, đặc biệt khối trường sư phạm.
Việc Nhà nước có chính sách cấp bù học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đã thu hút đông thí sinh khiến số lượng đăng ký ngành sư phạm tăng vọt, trong khi chỉ tiêu chỉ có hạn.
Riêng với trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo quy chế của Bộ GD&ĐT được tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia và năm nay, chúng tôi có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký xét tuyển vào trường khiến sự cạnh tranh trong xét tuyển càng thêm căng thẳng.
Với phổ điểm năm 2024 của khối C00, số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên là 23.343, tăng gần 930% so với năm 2023; 19 thí sinh cùng đạt thủ khoa ở mốc 29,75 điểm… và chỉ tiêu tuyển sinh ít là một trong những lý do khiến điểm chuẩn của tổ hợp C00 năm nay tăng vọt ở một số nhóm ngành.
Điển hình, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 70 chỉ tiêu cho Sư phạm ngữ văn, 30 chỉ tiêu cho Sư phạm lịch sử, 50 chỉ tiêu cho Sư phạm địa lý. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn dành 64 chỉ tiêu cho báo chí, 24 chỉ tiêu cho Hàn Quốc học, 44 chỉ tiêu cho Quan hệ công chúng.
Về điểm chuẩn khối C vào nhiều trường đại học năm nay cao, thậm chí thí sinh đạt trên 9,5 điểm mỗi môn nhưng không trúng tuyển vào nhiều ngành, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã có đánh giá từ đầu khi so sánh phổ điểm của năm 2024 và 2023 và thấy có sự nhích lên nên điểm chuẩn tăng là điều đã được dự báo trước.
Với các trường uy tín, chất lượng, sự cạnh tranh càng thấy rõ. Đặc biệt, điểm chuẩn vào khối các trường Sư phạm năm nay tăng cao là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhu cầu xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, giáo viên phổ thông rất rõ, nhất là ở một số môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.
Nếu các phương thức tuyển sinh đảm bảo công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao sẽ không có gì bất thường. Nhưng nếu không đảm bảo công bằng, thí sinh vào ĐH bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về phía Bộ GD&ĐT sẽ có sự phân tích kỹ.
Bài toán cân đối các phương thức tuyển sinh
Nhiều trường chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT còn rất ít do đã dành cho phương thức xét tuyển sớm. Việc cân đối không đồng đều chỉ tiêu cho các phương thức tuyển sinh của các trường đại học cũng phần nào khiến điểm chuẩn tăng trong năm 2024.
Theo một chuyên gia giáo dục, mục đích của tuyển sinh vào ĐH phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, đảm bảo tính công bằng, bình đẳng theo từng phương thức và giữa các phương thức tuyển sinh, đảm bảo nhu cầu đa dạng của các ngành học của trường ĐH, nhu cầu đa dạng của thí sinh và sự khác biệt vùng miền.
Vài năm qua, các trường dùng nhiều phương thức tuyển sinh như kết quả xét tuyển học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, tuyển sinh kết hợp chứng chỉ, học bạ...
Nếu các trường đại học định ra tỷ lệ tuyển sinh không hợp lý sẽ xuất hiện mất công bằng và bình đẳng so với các phương thức xét tuyển còn lại cho dù điểm thi tốt nghiệp THPT có cao, thí sinh vẫn có thể trượt.
Khi chỉ tiêu bị lấp đầy bởi các thí sinh xét tuyển sớm, các trường sẽ khó điều chỉnh tỷ lệ tuyển sinh cho các phương thức khác, gây áp lực cho quá trình tuyển sinh sau này.
Theo vị chuyên gia này, để đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, cần phải xây dựng khung chính sách tuyển sinh linh hoạt nhưng thống nhất. Bộ GD&ĐT nên thiết lập một khung tiêu chuẩn tuyển sinh chung, áp dụng trên toàn quốc, đảm bảo rằng các trường có một nền tảng chung để xây dựng quy trình tuyển sinh của mình.
Khung này nên bao gồm các nguyên tắc cơ bản về công bằng, bình đẳng và chất lượng, nhưng vẫn cho phép sự linh hoạt để các trường điều chỉnh phù hợp với đặc thù ngành học.
Mặt khác phải tăng cường giám sát và kiểm tra quy trình tuyển sinh tại các trường, đồng thời, Bộ GD&ĐT phải đổi mới nội dung và hình thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá toàn diện hơn về năng lực của học sinh theo mục tiêu của Chương trình GDPT năm 2018…
Thống kê từ Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2024, có hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023 có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay tăng 73.000 so với năm trước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận