Một đoạn QL31 qua tỉnh Bắc Giang - Ảnh minh họa
Theo đó, dự án có điểm đầu tại Km2+400 (ngã tư giao với QL1) xã Dĩnh Trí, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; điểm cuối tại Km14+900 (ngã ba giao với ĐT.290) xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với tổng chiều dài gần 37 Km.
Dự án có quy mô thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Bên cạnh đó, dự án có 14 cầu, trong đó 10 cầu xây dựng mới do không đủ quy mô, 2 cầu cần sửa chữa duy tu, 2 cầu giữ nguyên do được đầu tư vào năm 2015.
Dự án cũng giúp phát triển giao thông kết hợp với củng cố các tuyến chiến lược phát triển quốc phòng, tạo điều kiện tăng cường khả năng cơ động cho lực lượng quốc phòng đối với vùng đông bắc của tổ quốc. Từng bước đầu tư hoàn thiện tuyến đường theo quy mô quy hoạch, góp phần đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Dự án có tổng mức đầu tư 910 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng gần 540 tỷ đồng, chi phí GPMB 205 tỷ đồng, chi phí dự phòng 117 tỷ đồng và các chi phí khác. Nguồn vốn lấy từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, dự án khởi công vào quý I/2022 và hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng sau 18 tháng kể từ ngày khởi công.
Tổng cục Đường bộ VN cho hay, QL31 là tuyến đường liên tỉnh nối Lạng Sơn với Bắc Giang. Tuy nhiên, tuyến có quy mô kỹ thuật thấp, không đáp ứng nhu cầu vận tải và đảm bảo ATGT đặc biệt là về mùa thu hoạch vải thường xuyên xảy ra ùn tắc với xe tải lớn.
"Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp QL31 đoạn qua Bắc Giang giúp nâng cao năng lực thông hành của tuyến đường, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng", Tổng cục Đường bộ VN thông tin.
Cùng đó, dự án giúp thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, các nhà máy, khu trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và khai thác lâm thổ sản, cây ăn quả đặc biệt là vùng vải của Lục Nam và Lục Ngạn; Góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế và phân bố lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu văn hóa và công bằng xã hội, nhất là ở các huyện miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận