Trong mỗi nền bóng đá, các CLB chuyên nghiệp giữ vai trò quan trọng, giống như những viên gạch tạo nên chân đế. Dù đã tiến lên chuyên nghiệp 20 năm nhưng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng ở nền móng.
Vấn đề này nếu không sớm được giải quyết, rất khó để bóng đá Việt Nam vươn tầm.
CLB Than Quảng Ninh tuy chưa giải thể nhưng chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Ảnh: VPF
Tiếng chuông báo động từ đất mỏ
V-League 2022 chưa khởi tranh nhưng ngay từ lúc này Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang đau đầu trong việc tìm ra giải pháp phù hợp để sắp xếp lịch thi đấu.
Nguyên nhân bởi V-League 2022 chỉ còn 13 đội thi đấu sau khi Than Quảng Ninh tuyên bố ngừng hoạt động. Trên danh nghĩa, đội bóng đất mỏ vẫn tồn tại nhưng mọi tiêu chí cấp phép chuyên nghiệp đều không thể đáp ứng trong khi lực lượng của đội 1 đã tứ tán khắp nơi.
Câu chuyện của Than Quảng Ninh khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam không khỏi giật mình. Chỉ vài năm trước, đội bóng vùng mỏ còn là đại gia ở V-League, tiêu tiền không phải nghĩ.
Tuy nhiên, sau một số biến động ở hậu trường cùng sự rút lui của nhiều nhà tài trợ, Than Quảng Ninh không thể trụ vững. Điều này cho thấy đội chủ sân Cẩm Phả chưa thể tự chủ về tài chính, tiêu chí quan trọng với một CLB chuyên nghiệp.
Thực tế, Than Quảng Ninh không phải trường hợp đầu tiên giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động. Tuy nhiên, đáng nói ở chỗ V-League đã tiến lên chuyên nghiệp 20 năm nhưng nền tảng vẫn chưa vững chắc.
Đa phần các đội bóng hiện tại đều chưa thể tự nuôi mình, phụ thuộc hoàn toàn vào tiền ngân sách hoặc tài trợ. Mùa giải 2020, CLB Thanh Hóa cũng suýt giải thể sau khi bầu Đệ thoái lui, rất may sau đó bầu Đoan đã đứng ra cáng đáng.
Ở giải hạng Nhất, câu chuyện kinh phí còn nóng hơn khi gần như mùa nào cũng có đội bóng xin rút vì không đảm bảo được tài chính dự giải.
Mùa giải 2021, khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa điều chỉnh số đội tham dự lên 14 thì Tây Ninh đã từ bỏ cuộc chơi. So với V-League, đa số các đội bóng hạng Nhất đều chưa hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp và cũng chỉ số ít có nhà tài trợ, còn lại sống nhờ ngân sách địa phương.
Trong mỗi nền bóng đá, các CLB chuyên nghiệp giữ vai trò quan trọng, giống như những viên gạch tạo nên chân đế. CLB phát triển thì nền bóng đá mới phát triển và ngược lại.
Thành công của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo dễ gây lầm tưởng rằng bóng đá Việt Nam đang đi lên. Dù vậy, đây cũng chỉ là phần ngọn, phần chân đế bóng đá Việt Nam vẫn thiếu vững chắc.
“Đây là thực trạng đáng báo động, nó cho thấy bóng đá Việt Nam mang nặng tính bao cấp, tình thương mến thương, mọi thứ xuề xòa chứ không theo chuẩn bóng đá chuyên nghiệp”, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận xét.
Cần biến bóng đá thành món hàng hấp dẫn
Một cựu quan chức của đội bóng có truyền thống tại V-League cho rằng, sở dĩ các CLB bóng đá Việt Nam phát triển thiếu bền vững là do bản thân các ông bầu không có tiềm lực tài chính dồi dào.
“Hiện nay chỉ có một số ông bầu mạnh về tài chính có thể kham được đội bóng trong thời gian dài. Bầu Hiển là một ví dụ, còn lại họ đều nhắm tới lợi ích ngắn hạn ngoài bóng đá. Rồi khi thấy phải nuôi đội bóng một năm 50 - 60 tỷ đồng nên nhiều ông bầu tìm cách thoái lui. V-League không lạ gì cảnh đội bóng thay đổi chủ như cơm bữa”, vị quan chức bình luận.
Khi đã tạo được nền móng cơ bản, hướng phát triển của CLB sẽ cần bài bản, vững chắc, tập trung từ công tác đào tạo trẻ, chú trọng công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh của CLB, xây dựng đội bóng gắn với bản sắc địa phương. Từ đây, đội bóng sẽ dễ dàng tập hợp vận động tài trợ gắn với nhiều doanh nghiệp tại địa phương để có nguồn lực tài chính ổn định. Nhật Bản hiện tại họ đi theo hướng này và rất thành công.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc VPF
Vị này cũng cho hay, vẫn biết bóng đá phải kinh doanh nhưng việc kinh doanh với bóng đá Việt Nam không hề dễ dàng.
“Nguồn chuyển nhượng chỉ âm vì cầu thủ mình đào tạo ra các đội khác đợi hết hợp đồng mới đàm phán. Bán áo đấu thì chẳng mấy người mua vì áo nhái tràn lan. Tiền bản quyền truyền hình hay bán vé cũng chẳng thấm vào đâu”, vị này dẫn chứng.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận, bản thân các CLB Việt Nam chưa có ý thức phát triển và coi kinh doanh là nhiệm vụ sống còn.
“20 năm chuyên nghiệp nhưng không CLB nào ở Việt Nam có các chức danh Giám đốc Marketing, Giám đốc bán hàng hay khai thác thương hiệu để chuyển hóa thành tiền nuôi sống CLB. Người kinh doanh duy nhất trong mỗi CLB là ông chủ với những nước đi và bài toán rất lớn nên họ coi số tiền lẻ kiếm được từ vé xem bóng đá hay các hoạt động khác chẳng nhằm nhò gì. Hậu quả là đến một lúc nào đó, đội bóng trở thành gánh nặng, không tự cựa được đành buông xuôi cho dù bóng đá vẫn là môn thể thao quốc dân của người Việt Nam”, chuyên gia này cho hay.
Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, các CLB Việt Nam muốn sống khỏe nhờ bóng đá thì không còn cách nào khác là phải chung tay biến bóng đá thành món ăn hấp dẫn với giới đầu tư, người hâm mộ.
“Các giải quốc nội buộc phải nâng cao chất lượng chuyên môn, hình ảnh theo hướng chuyên nghiệp. Mỗi CLB cần xác định mình đá vì mình, đá cao thượng, cống hiến hết mình. Bên cạnh đó, sân vận động, khán đài cũng cần chỉnh trang sao cho xứng tầm. Nếu làm được như vậy, mỗi trận đấu cuối tuần sẽ là món ăn hấp dẫn với người hâm mộ. Khi đã có vị trí nhất định thì tiền bản quyền truyền hình hay thu hút thêm nguồn lực từ các nhãn hàng không còn xa vời”, ông Huy nói.
Còn theo Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc, với những điều kiện thực tế hiện nay, để các CLB có thể phát triển bền vững thì cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước; sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp.
Cần có cơ chế ưu đãi thu hút và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm bóng đá. Địa phương nên hỗ trợ về nền tảng để CLB hoàn thiện đầy đủ các tiêu chí chuyên nghiệp như cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đào tạo trẻ...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận