Chiều nay, lúc 15h, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ do ông Lê Hải Bình chủ trì. Các động thái của Trung Quốc trên biển Đông những ngày gân đây đang khiến dư luận bức xúc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình |
Ngay khi bắt đầu buổi họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên đã được đặt ra với ông Lê Hải Bình:
Báo Công an nhân dân: Phản ứng của Bộ Ngoại giao trước thông tin Trung Quốc xuất bản sách về đường 9 đoạn?
Ông Lê Hải Bình: VN khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoạt động của Trung Quốc mà phóng viên nêu là vô giá trị và không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Báo Tiền phong: Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ làm trưởng đoàn có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 13 đến 16/8, VN và Mỹ có kế hoạch hợp tác gì về quốc phòng? Gần đây, Reuters trích lời 1 quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ theo dõi tình hình biển đông để xem Trung Quốc có thực sự xuống thang hay không? Xin ông cho biết VN có phản ứng gì về vấn đề này?
Ông Lê Hải Bình: Thứ nhất, các hoạt động trao đổi đoàn như phóng viên vừa nêu là những bước đi cụ thể nhằm triển khai quan hệ hợp tác quốc phòng giữa VN- Mỹ đã được ký kết từ tháng 7/2013.
Thứ hai, VN hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực và có tính xây dựng của các quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải trên biển Đông.
Báo Tuổi trẻ: Liên quan tới lao động tại Lybia, xin ông cho biết VN đã đưa hết lao động về nước chưa? Ông thông tin thêm về việc Thái Lan có động thái mới trong việc cấp thị thực cho công dân VN?
Ông Lê Hải Bình: Theo thông tin mới nhất tại Đại sự quán VN ở Lybia, Ai cập và Thổ Nhỹ Kỳ, những lao động VN cuối cùng đã được di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm đến khu vực an toàn. Tính đến hết ngày 13/8, đã có 907 lao động VN về nước và 294 đã rời tới các nước lân cận.
Liên tục trong những ngày qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các các cơ quan đại diện tại các nước Đức, Pháp, Malaysia, Ai Cập và Angeri khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để hỗ trợ đưa người lao động VN quá cảnh về các nước này và hỗ trợ cho lao động VN về nước.
Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các cơ quan đại diện của VN tại các nước liên quan đang phối hợp chặt chẽ với các công ty sử dụng lao động xuất khẩu để tạo điều kiện tối đa đưa người lao động trở về.
Đối với về vấn đề nhập cảnh vào Thái Lan: Theo hiệp định miễn thị thực cho công dân VN và Thái Lan mang hộ chiếu phổ thông được ký giữa 2 nước vào năm 2000, hành khách có hộ chiếu phổ thông có thể lưu lại quá cảnh không cần thị thực không quá 30 ngày. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quan VN tại Thái Lan làm việc với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin. Chiều nay, Đại diện cục Lãnh sự VN làm việc với Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội để tìm hiểu thông tin.
Báo An ninhThủ đô: Tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Trung Quốc vẫn khăng khăng không có tranh chấp trên biển Đông, vậy việc đưa ra bộ quy tắc COC sẽ khó khăn hơn?
Ông Lê Hải Bình: Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Hội nghị liên quan tại ASEAN, Bộ trưởng đã thể hiện quan ngại sâu sắc đối với những sự việc đã xảy ra trên biển Đông thời gian vừa qua, và nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng tương tự.
Thời báo Kinh Tế Sài gòn: Việc đưa lao động VN tại Lybia về nước có gặp khó khăn gì không? Khi nào toàn bộ lao động được đưa về nước?
Ông Lê Hải Bình: Mọi khó khăn liên quan đến công tác đưa lao động về nước đã được thông tin đại chúng nêu rõ. Tôi xin nhấn mạnh rằng, mặc dù có những khó khăn như vậy nhưng Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan sở tại để đưa các lao động VN về nước. Ở đây không chỉ liên quan tới vấn đề giữa VN và Lybia mà còn liên quan tới các nước lân cận và các nước mà lao động VN phải quá cảnh trong quá trình về nước.
Trang Trần - Cao Sơn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận