Hạ tầng

Hợp long cầu Mạc Đĩnh Chi giúp TP Sóc Trăng kết nối cả khu vực

09/09/2021, 11:22

Đây là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được khởi công ngày 22/9/2020.

Ngày 9/9, Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng cùng đơn vị thi công đã tổ chức Lễ hợp long cầu Mạc Đĩnh Chi nối liền TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Theo quy hoạch GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cầu Mạc Đĩnh Chi sẽ kết nối từ TP Sóc Trăng với tuyến đê bao ngăn mặn và đường an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển Trần Đề.

Đây là công trình huyết mạch có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với TP Sóc Trăng, huyện Long Phú, huyện Trần Đề nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

img

Cầu Mạc Đĩnh Chi đã được hợp long.

Nhờ chiếc cầu này, việc lưu thông hàng hóa thủy hải sản và nông sản của người dân được dễ dàng, thuận lợi hơn. Đồng thời sẽ khơi dậy tiềm năng và nội lực trong khu vực, tạo điều kiện phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, cứu hộ cứu nạn khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững chung của tỉnh Sóc Trăng.

Cầu Mạc Đĩnh Chi là công trình có ý nghĩa, hiệu quả rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói chung và trong vùng nói riêng. Đây là công trình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ phía Đông của TP Sóc Trăng, thúc đẩy lưu thông và vận chuyển hàng hóa từ TP Sóc Trăng đến thị xã Vĩnh Châu, các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Kế Sách, đến TP Cần Thơ, TP.HCM...

img

Những ngày qua, công nhân, kỹ sư tham gia xây dựng cầu thực hiện "3 tại chỗ" để bảo đảm tiến độ thi công.

Dự án cầu Mạc Đĩnh Chi cũng sẽ giúp TP Sóc Trăng kết nối với khu công nghiệp Trần Đề, bến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, khu cụm công nghiệp An Lạc Thôn - Kế Sách và kết nối cảng nước sâu, cầu Đại Ngãi trong tương lai. Khi thông thường cầu, sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ TP Sóc Trăng đến Trần Đề khoảng 30 phút so với hiện nay.

Mục tiêu lâu dài của dự án nhằm thu hút kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển trong thời gian tới. Dự án cầu Mạc Đĩnh Chi do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.

Cầu có tổng chiều dài 366m, gồm 9 nhịp, sử dụng dầm Super “T”, cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, mố, trụ bằng bê tông cốt thép C30 đổ tại chỗ, được đặt bệ móng cọc bê tông cốt thép vuông 45x45cm.

Riêng 2 trụ giữa sông đặt trên hệ cọc bê tông cốt thép khoan nhồi đường kính 1,2m và cọc mặt cắt ngang cầu 14m; 4 làn xe và lề bộ hành 2 bên, có hệ thống chiếu sáng trên và dưới cầu. Cầu có 2 trụ giữa thông thuyền được tạo hình khung chữ V kết hợp thêm hệ vòm thép trang trí hai bên phía ngoài của mặt cầu.

img

Đây là công trình giao thông cấp III có tổng mức đầu tư 277,8 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021.

Về phần đường Mạc Đĩnh Chi (đoạn từ nút giao Lê Duẩn đến đường dẫn lên cầu Mạc Đĩnh Chi) có chiều dài 2,2km, mặt đường bằng bê tông nhựa nóng dày 15cm, mặt cắt ngang đường 22,5m, thiết kế 4 làn xe và vỉa hè 2 bên.

Đây là công trình giao thông cấp III có tổng mức đầu tư 277,8 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2020 đến năm 2021 sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 - 2020 và vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Cầu này thuộc công trình giao thông cấp III, dự án nhóm B, do Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc - Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Sông Hậu thi công, sẽ thông xe khoảng tháng 10/2021.

Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng khẳng định, cầu Mạc Đĩnh Chi là công trình có vị trí chiến lược quan trọng. “Từ đây, kết nối với QL Nam sông Hậu, thúc đẩy lưu thông và luân chuyển hàng hóa từ TP Sóc Trăng đến địa bàn các huyện trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận”, ông nói.

Ông Trương Quốc Dũng, Phó chỉ huy trưởng công trình cho biết: “Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi thực hiện phương án “3 tại chỗ” vừa đảm bảo phòng, chống dịch vừa bảo đảm tiến độ thi công công trình theo đúng kế hoạch. Dự kiến trong tháng 9/2021 này chúng tôi sẽ thông cầu để tháng 10/2021 sẽ thông xe”.

img

Dự kiến trong tháng 9/2021 này thông cầu để tháng 10/2021 sẽ thông xe.

Ông Đặng Ngọc Ẩn (56 tuổi, người dân phường 4, TP Sóc Trăng) cho biết: “Ngày khởi công cầu, bà con vui vì sẽ không còn cảnh lụy phà, qua lại được dễ dàng, thuận lợi. Nhiều khi cùng 1 phường nhưng chỉ cách nhau một quãng sông mà bà con muốn đi lại thăm nhau cũng khó khăn.

Sắp tới thì dễ rồi, kể cả việc đi Trần Đề còn gần hơn khoảng 15km, thật là tiện lợi. Ngày hợp long cầu hôm nay, chúng tôi rất mừng vì tiến độ thi công nhanh. Nhìn cây cầu dài bắc qua sông, vui thật là vui”.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề (còn gọi là tuyến đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Đề) có chiều dài khoảng 20km (rút ngắn được khoảng 15-18km so với hiện nay), tổng kinh phí đầu tư khoảng 980 tỉ đồng.

Tuyến đường này nối từ đường Mạc Đĩnh Chi (phường 4, TP Sóc Trăng) qua một số địa phương thuộc xã Tân Thạnh (huyện Long Phú), xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề) nối vào đường Nam Sông Hậu thuộc huyện Trần Đề, đi xuôi về thị xã Vĩnh Châu và tỉnh Bạc Liêu; đi ngược về huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), TP Cần Thơ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.