Thời sự

Hợp nhất 3 cơ quan thành Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

14/03/2018, 07:10

UB Thường vụ QH đã xem xét, thảo luận về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh.

6

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 22

Thống nhất một mô hình trung gian

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc quy định một cơ quan cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở hợp nhất Cơ quan Quản lý cạnh tranh; Hội đồng cạnh tranh; Văn phòng Hội đồng cạnh tranh hiện nay là cơ quan bán tư pháp, vừa thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh là rất cần thiết, là lựa chọn phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Một mặt, việc này giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội, phù hợp với tinh thần giảm đầu mối cơ quan, tổ chức, đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Mặt khác, đảm bảo ngay sau khi luật được ban hành, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có đầy đủ chức năng quyền hạn, chức danh pháp lý cũng như thẩm quyền để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về cạnh tranh, đồng thời thực hiện các hoạt động tố tụng trong lĩnh vực cạnh tranh một cách độc lập sẽ tạo điều kiện để Luật Cạnh tranh sửa đổi sớm đi vào cuộc sống.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, với tính chất đặc thù của cơ quan cạnh tranh là cơ quan hành chính bán tư pháp nên Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo thống nhất một mô hình trung gian đó là hợp nhất 3 cơ quan thành 1 cơ quan. Như vậy, thực hiện đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc tinh giảm đầu mối nhưng vẫn tiếp tục đặt cơ quan đó trong Bộ Công thương để không làm tăng thêm cơ quan của Chính phủ.

Ngăn chặn hành vi độc quyền

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị bổ sung quy định về kiểm soát doanh nghiệp và độc quyền Nhà nước bởi chúng ta đang có tình trạng chuyển độc quyền tự nhiên của Nhà nước sang độc quyền của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới quyền lợi quốc gia.

Ông Ngô Đức Mạnh thôi nhiệm vụ ĐBQH để đi làm đại sứ

Chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết về việc này. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết. Việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu được tiến hành do ông Ngô Đức Mạnh đã được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Nga.

Đề cập đến vấn đề độc quyền tự nhiên của Nhà nước, ông Tuấn đưa ra ví dụ ngành khí gas là độc quyền tự nhiên của Nhà nước. Bởi chúng ta có 3 nguồn: Nhập khẩu, sản xuất trong nước và mua theo hợp đồng dầu khí. Nhưng cách đây 5, 6 năm đã nhượng quyền mua hợp đồng này cho doanh nghiệp và sau đó doanh nghiệp này lại cổ phần hóa. “Kinh nghiệm quản lý và thông lệ quốc tế chúng ta cần bổ sung thêm điều 29 đó là độc quyền tự nhiên và độc quyền Nhà nước để đảm bảo quyền lợi Nhà nước trong chống độc quyền”, ông Tuấn kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phản hồi, những quy định ông Tuấn đề nghị đều đã được thể hiện tại chương IV của dự thảo luật về Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, xác nhập 3 cơ quan thành Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để không tăng đầu mối. Tuy nhiên, luật cần rà soát lại các điều khoản để bao quát hết các hành vi dẫn đến độc quyền và cần có quy định để xử lý các hành vi này, không để phát hiện ra nhưng xử lý lại khó khăn. Các điều cấm hạn chế kinh doanh phải quy định cụ thể ngay trong luật, không để quy định “quét” vì có thể dẫn tới hạn chế quyền kinh doanh của công dân đã được quy định trong hiến pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.