Mặt trận tổ quốc huyện Vũ Thư (Thái Bình) cùng hội viên các đoàn thể và người dân tham gia làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: Đỗ Thị Hồng Liên |
Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả vì chồng chéo
Cụ thể, tại hội thảo vừa được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức, 4 đề xuất được đại diện Ban tổ chức T.Ư thông tin gồm: Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức; Nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện. Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của MTTQ Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã. Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và MTTQ Việt Nam.
Cơ sở để đưa ra các đề xuất này là do trong 30 năm đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, bên cạnh những thành tích, ưu điểm còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập như cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả, trên một số lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch, rõ ràng. Điều này đòi hỏi MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và các phương thức hoạt động…
Sáp nhập MTTQ với Ban Dân vận?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho hay, ông đồng tình với phương án 1, hoặc có thể xem xét tới phương án gộp đề xuất này với đề xuất sáp nhập MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận. “Trước năm 1980, người ta tính đã nhiều đến việc gộp các phương án này vì như thế không trái Hiến pháp, lại tránh chồng chéo. Vì MTTQ có Đảng đoàn, các đoàn thể chính trị xã hội cũng có Đảng đoàn, nên chăng chức năng nghiên cứu và tham mưu về cán bộ, nghiên cứu đề xuất chính sách của dân vận nên giao cho những tổ chức này, họ vừa có thực tiễn, vừa có lý luận sâu hơn. Hai bộ phận này sáp nhập với nhau sẽ giảm được nhiều biên chế, tránh chồng chéo”, ông Túc phân tích.
"Với MTTQ hiện nay, số cán bộ không bằng một cục của bộ khác. Tiền chi còn chưa bằng một cục của nơi khác, nếu so với ở tỉnh thì chưa bằng một phòng chứ chưa nói đến một sở. Vấn đề tiền hay ngân sách là một phần, nhưng quan trọng hơn là làm sao đổi mới để tránh chồng chéo, đặt mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các tổ chức đó. Nếu chỉ tính về đồng tiền thì đó không phải mục đích của đổi mới phương thức hoạt động”. Ông Nguyễn Túc |
Theo ông, nếu kết hợp được như vậy, bộ máy sẽ hiệu lực, hiệu quả hơn, vừa đảm bảo tinh giản bộ máy, tránh chồng chéo, vừa nâng cao hiệu quả. Nhưng việc này lại đòi hỏi thời gian dài, vì Ban Dân vận hiện do một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách, MTTQ về cơ cấu cũng từng có và sẽ có một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách. Nếu quyết tâm theo phương án này, bộ phận tham mưu giúp việc sẽ gọn đi rất nhiều.
Về đề xuất hợp nhất các đoàn thể chính trị - xã hội thành các Ban của MTTQ, ông Túc cho hay, qua cuộc hội thảo vừa tổ chức cho thấy, 5 tổ chức chính trị - xã hội chưa có sự đồng thuận cao với đề xuất của Ban Tổ chức T.Ư.
Hay như đề xuất nhất thể hoá các chức danh mà tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện ở cấp huyện, ông Túc cho rằng, Quảng Ninh là trung tâm của giai cấp công nhân chứ không phải trung tâm chính trị như Hà Nội hay TP HCM. Ở đó, công tác mặt trận đối với mọi tầng lớp xã hội chưa thể hiện đầy đủ nên ông đề nghị T.Ư nên cân nhắc, nếu thí điểm nên cho thí điểm ở các trung tâm chính trị xã hội như Hà Nội, TP.HCM... để có đánh giá toàn diện hơn.
Hợp nhất 5 đoàn thể khó khả thi
Trong khi đó, theo ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông cũng ủng hộ phương án thứ nhất. Còn phương án hợp nhất 5 đoàn thể thành các ban của MTTQ Việt Nam sẽ rất khó. Bởi MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là các cơ quan độc lập, có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, được xác định trong các nghị quyết, chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong Hiến pháp, trong luật. Vì thế, nếu chỉ vì mong muốn tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế mà tính đến việc đưa các tổ chức vào thành các ban của MTTQ Việt Nam là điều rất khó khả thi.
Ông Thắng cũng cho rằng, các tổ chức chính trị - xã hội nhập vào thành các ban của MTTQ sẽ làm thay đổi tính chất và tổ chức hoạt động của MTTQ cũng như của 5 tổ chức này. Mặt khác, các tổ chức chính trị - xã hội không nằm trong hệ thống các cơ quan Nhà nước nên việc hợp nhất các tổ chức này sẽ mang tính hành chính hóa. “MTTQ là tổ chức tập hợp tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng quan hệ giữa các cơ quan là thành viên của mặt trận với mặt trận chứ không phải là quan hệ hành chính, không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới”, ông Thắng phân tích.
Đánh giá vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, ông Thắng cho rằng, dù hiện tại có thể chúng ta chưa bằng lòng với hiệu quả hoạt động của các tổ chức này, nhưng không thể phủ nhận vai trò lịch sử của nó, cùng những đóng góp trong cả quá trình phát triển. Nhưng cũng vì còn chưa bằng lòng nên việc tổ chức lại, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiệu quả là việc làm cần thiết và cấp bách. “Theo tôi, đề xuất phương án nào cũng phải vừa đáp ứng được chủ trương chung của Đảng là tinh gọn nhưng vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả của các tổ chức này”, ông Thắng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận