Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35, nghe báo cáo về kết quả kỳ họp thứ 7 và công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, góp ý nhiều nhất là việc vắng quá nhiều đại biểu trong các phiên họp.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, đây cũng là vấn đề đầu tiên mà cử tri quan tâm, bởi dân chính là người bầu nên đại biểu. Ông Giàu đề nghị xem xét lý do đại biểu vắng mặt có chính đáng, rõ ràng không, không thể lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ.
Thực tế được ông Giàu chỉ ra là có những phiên biểu quyết, tổng số gần 500 đại biểu nhưng chỉ thu về được hơn 300 ý kiến biểu quyết. “Như vậy là không ổn”, ông Giàu đánh giá.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga ghi nhận những kết quả đạt được tại kỳ họp thứ 7 khi Quốc hội hoàn thành được nhiều công việc khó. Tuy nhiên bà Nga cũng thẳng thắn đánh giá chất lượng thảo luận tổ đang đi xuống ở một số đoàn. Riêng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội và TP.HCM, báo chí vào dự nhiều nên chất lượng vẫn tương đối tốt.
Bà cũng nêu thực tế một số đoàn có hiện tượng nghỉ sớm khi thảo luận ở tổ nên đề nghị Văn phòng Quốc hội chấn chỉnh, không nên ghép quá nhiều nội dung vào một phiên thảo luận nhưng cũng không nên để nghỉ sớm.
Bà Nga cũng phản ánh việc đại biểu vắng mặt quá nhiều, có đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu theo thông báo. "Có những khi biểu quyết vắng 70- 80 đại biểu, đây là điều phải chấn chỉnh”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, mỗi ngày vắng không quá 30 người, có ngày vắng 100 người. Ở đoàn đại biểu Quốc hội, có đoàn vắng đến 50%, có 7 đại biểu thì vắng 4, 5 người.
Đặt vấn đề tại sao biểu quyết mà các đại biểu vẫn vắng nhiều như vậy, Chủ tịch Quốc hội dẫn câu chuyện ở một số nước dù không họp Quốc hội như Việt Nam, mỗi lần biểu quyết họ đều cố gắng đến, có trường hợp đang đi tiếp khách quốc tế cũng xin lỗi để về biểu quyết.
Ngồi ở vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội có thể nhìn thấy vắng ở từng đoàn. Bà nhận định kỳ họp vừa qua là “vắng nhất trong tất cả các kỳ họp”. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cần có trách nhiệm hơn nữa.
Báo cáo trước đó về kết quả kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá Quốc hội đã phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Trong chất vấn, đã cho thấy sự thực chất, hiệu quả và hiệu lực. Chủ tọa phiên chất vấn kiên quyết, khéo léo, hài hòa, hướng câu hỏi và trả lời đúng trọng tâm, được cử tri đánh giá cao. Thời gian chất vấn giảm nhưng số lượng đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và số lượng câu hỏi chất vấn tăng lên.
Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh nội dung kỳ họp đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, phiên họp này đã giảm đáng kể việc đóng dấu "mật" một số tài liệu không thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế khi hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức.
Tại phiên chất vấn, vẫn còn một số ý kiến chất vấn mang tính bình luận, giải thích, trùng lắp. Có đại biểu nêu chất vấn còn dài, chưa rõ ý, chất vấn quá thời gian quy định. Một số nội dung trả lời chất vấn còn chung chung, chưa đúng trọng tâm...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận