Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển.
Dự thảo có 12 điều, với phạm vi điều chỉnh quy định về hoạt động lấn biển, phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; không điều chỉnh hoạt động lấn biển phục vụ mục đích quốc phòng - an ninh nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia khi thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.
Các nội dung quan trọng của Nghị định như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư lấn biển hoặc hạng mục lấn biển của dự án đầu tư; giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển được xác định để lấn biển; nghiệm thu hoàn thành lấn biển; xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất lấn biển; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lấn biển...
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về dự thảo này.
Cụ thể, HoREA đề nghị bỏ phần giải thích từ ngữ khái niệm "lấn biển" (khoản 1, Điều 3). HoREA cho biết, khái niệm này đã được giải thích trong Luật Đất đai 2024, do đó không cần phải quy định lại.
HoREA cũng đề nghị bổ sung, mở rộng thêm khái niệm dự án lấn biển (khoản 2, Điều 3). Ngoài các quy định định dự thảo đã có, bổ sung thêm dự án lấn biển gồm: Dự án khu vực bãi bồi ven biển, đất rừng phòng hộ ven biển, đất nuôi trồng thủy sản ven biển. Bổ sung thêm mục đích lấn biển gồm cả mục đích tạo quỹ đất có mặt nước biển chuyên dùng.
Theo lý giải của hiệp hội, dự án đầu tư lấn biển, hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư tại các địa phương có thể bao gồm khu vực bãi bồi ven biển, đất rừng phòng hộ ven biển hoặc đất nuôi trồng thủy sản ven biển. Việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Dự án đầu tư lấn biển, hạng mục lấn biển trong dự án đầu tư theo quy hoạch nhằm không chỉ "tạo quỹ đất" mà còn có thể "tạo quỹ đất có mặt nước biển chuyên dùng" để thực hiện các dự án đầu tư theo tuyến như cầu cảng từ đất liền ra vùng biển nước sâu, dự án điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, đường ống dầu khí hoặc tuyến cáp điện, cáp quang...
HoREA cũng đề nghị bổ sung hướng dẫn chi tiết việc giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển ngay vào trong dự thảo, thay vì việc yêu cầu thực hiện theo quy định Nghị định 43, Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai 2013 và Nghị định 148 về Sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều Luật Đất đai 2013.
Lý do HoREA cho rằng cần bổ sung quy định này là do NĐ 43, NĐ148 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đất đai 2024 và nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025 hoặc có thể được Quốc hội xem xét cho phép có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận