Bất động sản

HoREA đề xuất giải pháp “phá rào" trong cải tạo chung cư cũ

09/12/2020, 11:02

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, HoREA đề xuất hàng loạt những giải pháp phá "rào cản" trong cải tạo chung cư cũ.

img

Nhà tập thể cũ trên phố Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội).

"Rào cản" không sát thực tiễn

Trong văn bản góp ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa phát đi mới đây; HoREA thẳng thắn chỉ ra hàng loạt những "rào cản" khiến hoạt động này trở lên khó khăn: Cụ thể:

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ, trong đó 25% thuộc diện hư hỏng nặng, nguy hiểm. 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%. Các doanh nghiệp lần lượt “đến rồi đi” bởi những vướng mắc về cơ chế và thủ tục bồi thường.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam phân tích: “Đối tượng ở những nhà tập thể cũ là nhà được cấp cho thế hệ cán bộ công nhân viên chức, bộ đội, công an... những người gắn bó với giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Cho nên Nhà nước phải là chủ thể chính có trách nhiệm trong việc cải tạo chung cư cũ”.

Theo ông Tùng, doanh nghiệp luôn tính đến lợi nhuận trong mọi hoạt động nên rất khó bắt buộc họ có trách nhiệm chia sẻ xã hội. Khi xây dựng mới, các hộ sẽ được trả lại diện tích tương đương diện tích trong căn hộ cũ từng sử dụng. Phần diện tích dư ra, người dân phải trả chi phí xây dựng, không phải phí kinh doanh.

Luật Đất đai quy định các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và quy định các trường hợp miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khác theo quy định của Chính phủ, nhưng trong 5 năm qua, Bộ Tài chính đã không đồng ý miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất được giao trong phạm vi dự án xây dựng lại nhà chung cư.

Luật Nhà ở cũng quy định, dự án phải được tất cả (100%) các chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất mới được phá dỡ nhà chung cư cũ để xây dựng lại nhà mới, HoREA cho rằng điều này không sát với thực tiễn và không khả thi.

Cuối cùng, Dự thảo Nghị định 101 quy định: "Hội nghị nhà chung cư phải có ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu căn hộ nhà chung cư đó tham dự và doanh nghiệp được lựa chọn phải được tối thiểu 70% tổng số các chủ sở hữu tham dự đồng ý. Trường hợp có nhiều doanh nghiệp tham gia thì lựa chọn doanh nghiệp nhận được tỷ lệ đồng ý cao nhất của các chủ sở hữu tham dự Hội nghị nhà chung cư…". Đây được cho là điều kiện rất khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Giảm tỷ lệ phụ thuộc chủ sở hữu

Trao đổi với PV Báo Giao thông về giải pháp khắc phục những khó khăn trên, Chủ tịch Lê Hoàng Châu biết, Hiệp hội đã đề nghị cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về tỷ lệ giảm từ 100% xuống khoảng 80% chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư mới.

Về tỷ lệ chủ sở hữu nhà chung cư, cần quy định kết quả việc lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải đạt được tỷ lệ đồng ý quá bán (trên 50%) trên tổng số chủ sở hữu nhà chung cư. Ví dụ, Hội nghị nhà chung cư phải có tối thiểu 70% chủ sở hữu tham dự, nếu quy định phải có tối thiểu 75% (bằng 3/4) người tham dự đồng ý lựa chọn chủ đầu tư, thì kết quả sẽ có tối thiểu 52,5 % (quá bán) tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý, ông Châu đưa ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.