Những thăng trầm kinh tế Việt Nam năm 2024
Theo các chuyên gia HSBC, với nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng, Việt Nam đã trải qua một năm 2024 đầy biến động. Sau khởi đầu đầy thách thức trong quý I, kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại vị trí "ngôi sao tăng trưởng" trong khu vực ASEAN.
Tăng trưởng GDP tăng mạnh, đạt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III so với cùng kỳ năm trước. Đà phục hồi mở rộng sang nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong ngành điện tử, dù tiêu dùng nội địa vẫn còn khá dè dặt bất chấp có dấu hiệu cải thiện.
Lo ngại về tác động của bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 70 năm qua - chủ yếu ảnh hưởng đến ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Ngược lại, sản xuất và thương mại vẫn duy trì sức mạnh, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,4% trong 11 tháng đầu năm.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng. Dù tăng trưởng FDI đăng ký mới chậm lại trong quý III, các lĩnh vực bất động sản và năng lượng đã ghi nhận dòng vốn gia tăng. Vốn FDI thực hiện đạt 21,68 tỷ USD trong 11 tháng, tăng 7,1% so với cùng kỳ và đánh dấu năm thứ ba liên tiếp đạt mức giải ngân trên 20 tỷ USD.
Các khoản đầu tư nội khối ASEAN dẫn đầu, chiếm 40% tổng vốn FDI, trong khi các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục mở rộng vốn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất.
Triển vọng FDI cũng được củng cố với các động thái mới từ đối tác quốc tế. Chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Mỹ đã mở ra cơ hội đầu tư từ các công ty lớn như Meta. Ngoài ra, Shunsin - một công ty con của Foxconn - đã xin cấp phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại Bắc Giang, minh chứng cho sự cải thiện năng lực sản xuất của Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực sản xuất điện tử, các ngành có giá trị gia tăng cao cũng đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các tập đoàn đa quốc gia. Google dự kiến mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025, trong khi Nvidia sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, “những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao sâu rộng với các đối tác quốc tế đang trở thành động lực lớn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài. Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Pháp lên đối tác chiến lược toàn diện và ký kết thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với UAE là minh chứng rõ nét.”
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức đáng lưu tâm. Việt Nam hiện là nền kinh tế chịu tác động mạnh nhất trong khu vực ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Trong khi các chỉ số tiêu dùng của Mỹ vượt dự báo giúp thúc đẩy xuất khẩu sản xuất của Việt Nam - đặc biệt trong các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và máy móc - điều này đồng thời khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước sự giảm tốc trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ.
Thêm vào đó, những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là các biện pháp hạn chế hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu qua các "nền kinh tế trung gian," cũng tạo ra thách thức lớn. Với việc Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, các rào cản thương mại và thuế quan có thể trở thành yếu tố cản trở triển vọng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai gần.
Ở trong nước, tiêu dùng bán lẻ vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng, với tăng trưởng doanh số bán lẻ thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Sự phục hồi này còn chậm và chưa rõ ràng, tạo thêm áp lực lên động lực tăng trưởng kinh tế.
Dẫu vậy, Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực nhờ các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ. Việc gia hạn cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng với một số hàng hóa, dịch vụ đến cuối năm 2024 giúp giảm bớt áp lực chi phí. Cùng với đó, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 được kỳ vọng sẽ cải thiện triển vọng thị trường bất động sản.
Chính sách tài khóa và tiền tệ cũng được duy trì ở mức thích ứng nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Những nỗ lực này không chỉ hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay mà còn tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục bứt phá trong năm tới.
Tăng trưởng GDP vượt trội ASEAN-6
Sau đà phục hồi ấn tượng trong quý III, Nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5% trước đó. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 vẫn được giữ ở mức 6,5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
Về lạm phát, các tín hiệu tích cực đang xuất hiện từ nửa cuối năm nay. Áp lực giá cả đối với một số sản phẩm nông nghiệp được kỳ vọng sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ hiện tượng El Niño sang La Niña, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mùa vụ. Nhóm chuyên gia HSBC dự báo lạm phát năm 2024 sẽ ở mức 3,6%, thấp hơn đáng kể so với mức trần 4,5% mà Chính phủ đặt ra. Đối với năm 2025, dự báo lạm phát vẫn được giữ ở mức 3,0%.
Tuy nhiên, Việt Nam không tránh khỏi các rủi ro tiềm ẩn trong năm tới. Ngoài biến động giá năng lượng toàn cầu, nền kinh tế còn đối mặt với nguy cơ từ các cú sốc lương thực. Một ví dụ đáng chú ý là giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi. Những yếu tố này có thể tạo áp lực nhất định lên giá cả trong nước.
Không chỉ vậy, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt từ các thị trường phương Tây, sẽ là yếu tố then chốt quyết định sức mạnh phục hồi kinh tế của Việt Nam. Các thị trường này chiếm gần một nửa lượng xuất khẩu của Việt Nam, do đó quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng phương Tây cần được theo dõi sát sao.
Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền cùng Đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện sẽ định hình sâu sắc bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Dù còn quá sớm để đánh giá cụ thể các chính sách mới, nhưng những đề xuất trong chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng hòa, như áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10-20% đối với các nền kinh tế khác, có thể tác động đáng kể đến khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam.
Lịch sử cho thấy, từ năm 2018, khi Mỹ bắt đầu áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc, Việt Nam đã tăng mạnh thị phần tại thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã chiếm hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ, tăng từ 20% trước đó. Hiện Mỹ đóng góp lần lượt hơn 40% và 33% trong cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu thuế quan trở thành trở ngại, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế thị trường Mỹ, đặc biệt khi châu Âu - khu vực nhập khẩu lớn thứ hai - không thể nhanh chóng hấp thụ toàn bộ thị phần này.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam có thể giảm thiểu rủi ro từ các chính sách thuế quan của Mỹ nhờ vào mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Ngoài thách thức về thuế quan, vấn đề tỷ giá cũng là mối quan ngại. Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn "quốc gia thao túng tiền tệ" vào tháng 12/2020, dù đã được gỡ khỏi danh sách này vào tháng 4/2021. Dù không còn nằm trong danh sách, Việt Nam vẫn thuộc diện giám sát gần đây.
Theo các chuyên gia HSBC, mặc dù việc nằm trong danh sách giám sát có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng các cơ quan Mỹ có thể sẽ theo dõi sát sao dữ liệu thương mại của Việt Nam. Đồng thời, sự biến động của đồng USD trên thị trường quốc tế và chính sách điều hành của Fed cũng sẽ là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ giá của Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận