Du lịch

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản

06/12/2024, 15:45

Phát triển kinh tế từ giá trị di sản mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số là cơ hội để Huế tối ưu hóa giá trị cảnh quan và sinh thái…

Biến những giá trị văn hóa - lịch sử thành giá trị kinh tế

Ngày 6/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn quốc tế với chủ đề "Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế".

Diễn đàn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các Sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 1.

Quang cảnh Diễn đàn tại Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội Huế.

Kinh tế di sản sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và phát triển Huế trở thành một thành phố hiện đại, bền vững trong tương lai, biến những giá trị văn hóa - lịch sử thành những giá trị kinh tế mà kinh tế sẽ là nguồn nuôi sống lại di sản, góp phần ngược lại cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận một số định hướng phát triển kinh tế địa phương như kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế.

Đồng thời, chia sẻ các mô hình thành công, kinh nghiệm từ các địa phương và quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 2.

Đại Nội Huế nhìn từ Kỳ đài Huế.

Ông Reigh Young Bum, Chủ tịch viện Kiến trúc và Đô thị (Hàn Quốc) cho hay, chủ đề Diễn đàn đề cập đến một trong những thách thức quan trọng nhất mà thời đại chúng ta đang phải đối mặt.

Để bảo tồn di sản văn hóa quý giá đồng thời thúc đẩy nền kinh tế địa phương, chúng ta cần sự tiếp cận một cách sáng tạo là sự kết hợp của kinh tế xanh và công nghệ thông tin.

"Những ý tưởng và ví dụ điển hình đa dạng thảo luận tại diễn đàn sẽ là những bài học bổ ích quan trọng cho TP Huế trong việc vạch ra kế hoạch phát triển bền vững cho thành phố trong tương lai…", ông Reigh Young Bum cho hay.

Ông Reigh Young Bum cũng chia sẻ về giá trị của bảo tàng đối với năng lực cạnh tranh văn hóa của một số thành phố trên thế giới và cho rằng, cần tạo nên một Trung tâm thương mại Bảo tàng Lịch sử Huế có tính kết nối.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 3.

Thảo luận về chủ đề Huế phát triển xanh, bền vững tại diễn đàn.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, với lợi thế là một vùng đất giàu giá trị di sản và văn hóa, Thừa Thiên Huế sở hữu một kho tàng di sản UNESCO đặc biệt phong phú và đa dạng, tạo nên một lợi thế độc nhất trong việc phát triển đa ngành.

Với 8 di sản thế giới UNESCO, trong đó có 6 di sản độc đáo của riêng mình, Huế nắm giữ vị thế đặc biệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Sự kết hợp độc đáo giữa di sản vật thể, phi vật thể và tư liệu tạo ra một hệ sinh thái văn hóa - lịch sử toàn diện, mở ra cơ hội phát triển đan xen và bổ trợ cho nhau giữa các ngành.

"Lợi thế vượt trội của Huế nằm ở sự đa dạng và tính liên kết của các di sản. Quần thể di tích Cố đô Huế không chỉ là một công trình kiến trúc đơn thuần, mà còn là nơi lưu giữ âm nhạc cung đình, thơ văn trên kiến trúc cung đình, những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng (Cửu đỉnh), hệ thống thủy đạo, cảnh quan, cây xanh...

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 4.

Du khách vào tham quan Đại Nội Huế.

Sự giao thoa này tạo ra một trải nghiệm văn hóa tổng thể, khác biệt hoàn toàn so với các di sản đơn lẻ ở các địa phương khác", ông Hoàng Việt Trung cho hay.

Điều này mở ra cơ hội phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm đa chiều, kết hợp giữa tham quan, thưởng thức nghệ thuật và học hỏi lịch sử.

Hơn nữa, sự hiện diện của cả di sản vật thể và phi vật thể tạo điều kiện để Huế phát triển một nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo độc đáo.

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng

Cũng tại diễn đàn, ông Hoàng Việt Trung nhấn mạnh khía cạnh của kinh tế xanh và kinh tế số trong việc phát huy giá trị di sản tại Quần thể di tích Cố đô Huế.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 5.

Thảo luận về chủ đề Huế và công nghệ thông tin tại diễn đàn.

Theo đó, trong quy hoạch về di tích, hệ thống di sản Cố đô Huế có 30 giá trị để nhận diện, được chia làm 4 loại, gồm: Giá trị văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế - gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Cố đô Huế, các công trình kiến trúc, và nghệ thuật cung đình.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật - bao gồm các di tích như Hoàng thành, điện Thái Hòa, lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn, cùng các công trình mang phong cách kiến trúc độc đáo.

Giá trị sinh thái, cảnh quan và vị thế - với các dòng sông, đồi núi và hệ thống cây xanh đặc trưng, Huế mang đến một môi trường tự nhiên lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Giá trị xã hội - thể hiện qua các lễ hội, phong tục, tập quán, và đời sống cộng đồng đậm chất văn hóa.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 6.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu tại diễn đàn.

Từ các giá trị di sản trên, ông Hoàng Việt Trung đề cập đến một số lợi thế để phát huy giá trị, thừa hưởng thành quả kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản như: Không gian di sản y học - Thái Y Viện; hệ thống thủy đạo - du lịch sinh thái trên sông; du lịch trải nghiệm không gian Thượng thành và cảnh quan xanh; Festival văn hóa và sự kiện nghệ thuật…

Theo ông Hoàng Việt Trung, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo để phát huy giá trị di sản đang trở thành xu hướng tất yếu. Thừa Thiên Huế đã tiên phong áp dụng công nghệ số để phát huy giá trị di sản, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và văn hóa.

Các công trình kiến trúc quan trọng như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung… được quét 3D để lưu trữ dữ liệu, đồng thời phục vụ tái hiện trong môi trường số. Huế cũng đã định danh số cho cổ vật, tạo ra không gian số museehue.vn và các sản phẩm phái sinh như Đế Đô Khảo Cổ Ký.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 7.

Du khách vào tham quan điện Kiến Trung trong Đại Nội Huế và trải nghiệm tương tác thông minh bằng cách chạm điện thoại vào để kết nối được câu chuyện văn hóa, lịch sử địa điểm tham quan gồm hình ảnh, video, mô hình 3D...

Bên cạnh đó, chương trình Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tái hiện các công trình đã mất và cho phép du khách khám phá di sản bằng công nghệ hiện đại.

Bảo tàng số và 3D mapping - với các buổi trình diễn ánh sáng và hoạt động tương tác trên nền tảng di sản, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Ông Trung cũng cho biết, với hệ thống cơ sở dữ liệu di sản, việc lưu trữ thông tin về các công trình vật thể và phi vật thể giúp quản lý hiệu quả hơn.

Số hóa và giám sát các khu vực xanh, các cây di sản, góp phần bảo tồn hệ sinh thái cảnh quan tại Quần thể di tích Cố đô Huế.

"Phát triển kinh tế từ giá trị di sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử.

Các mô hình như khai thác Thái Y Viện, hệ thống thủy đạo, du lịch trải nghiệm trên Thượng thành, giáo dục di sản và tổ chức Festival văn hóa đã chứng minh tiềm năng lớn của di sản Huế trong việc xây dựng nền kinh tế bền vững.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 8.

Du khách tham quan Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng (Cửu đỉnh) trong Hoàng cung Huế.

Việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là cơ hội để Thừa Thiên Huế tối ưu hóa giá trị cảnh quan và sinh thái", ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh đó, sự đa dạng của các di sản đã được UNESCO công nhận cũng tạo nền tảng vững chắc để Huế phát triển thành một thành phố Festival đẳng cấp quốc tế, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ âm nhạc, nghệ thuật trình diễn đến triển lãm văn hóa - lịch sử, cảnh quan thu hút khách du lịch và nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới.

Kho tàng di sản này tạo cơ sở để Huế trở thành trung tâm giao lưu văn hóa quốc tế, tổ chức các sự kiện ngoại giao văn hóa quy mô lớn.

Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Huế trên trường quốc tế mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch.

Huế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số trên nền tảng di sản- Ảnh 9.

Lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Đô thị Hàn Quốc tại chương trình.

Ông Hoàng Việt Trung cũng nhấn mạnh, Huế có lợi thế vượt trội trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế số lấy di sản làm nền tảng.

Sự kết hợp độc đáo giữa các loại hình di sản tạo ra cơ hội phát triển đan xen giữa du lịch, văn hóa, giáo dục, công nghệ và sáng tạo, không chỉ bảo tồn và phát huy di sản mà còn tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế... đã giới thiệu và thảo luận một số định hướng phát triển kinh tế địa phương về kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế.

Qua đó, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết 175 của Quốc hội về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.

Chính thức thành lập TP Huế trực thuộc Trung ươngChính thức thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương

Sáng 30/11, với đa số phiếu đồng ý, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

TP Huế trực thuộc Trung ương: Phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và hạ tầng hiện đạiTP Huế trực thuộc Trung ương: Phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và hạ tầng hiện đại

Câu chuyện về Thừa Thiên Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự tiến trình hiện đại...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.