8,93 tỷ USD đầu tư công cho 460 dự án hạ tầng
Theo Savills, trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách 8,93 tỷ USD đầu tư công sẽ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ riêng tại Hà Nội, giai đoạn này sẽ có 460 dự án đầu tư trung hạn cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông vận tải tại thủ đô.
Đường sát Cát Linh - Hà Đông.
Năm 2021, hai tuyến đường sắt đô thị bao gồm đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) đoạn trên cao có thể sẽ đi vào hoạt động. Cũng trong giai đoạn 2021-2025, bảy đường vành đai sẽ lần lượt được vận hành.
Theo Savills, nguồn cung nhà ở đã mở rộng từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành. Năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì cung cấp 6% nguồn cung căn hộ.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm và Đông Anh đã chiếm 32% thị phần. Theo dự báo, từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoài thành sẽ cung cấp 27% nguồn cung căn hộ.
Dữ liệu của Savills cũng cho thấy sự gia tăng trong nguồn cung biệt thự/liền kề tại các khu vực này. Cụ thể, trong số 1.950 căn nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội trong Q2/2021, Hoài Đức chiếm tới 31% thị phần, theo sau bởi Đông Anh với 21% và Hà Đông với 17%.
Những dự án về cơ sở hạ tầng bao gồm Đại lộ Thăng Long, tuyến đường Tố Hữu – Lê Văn Lương, với tuyến Metro số 2A, số 3, đường vành đai 3.5 và các tuyến đường mở rộng về phía Tây kết nối với các quận trung tâm, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá trị khu vực phía Tây.
Savills đánh giá, việc cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thay đổi xu hướng văn phòng trong tương lai. Cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội và cải thiện của hạ tầng, nhu cầu nhà ở tại các tỉnh lân cận được thúc đẩy, khoảng cách về giá nhà giữa khu vực thành thị và vùng lân cận sẽ được thu hẹp.
Về phân khúc nhà ở, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đặt mục tiêu giảm dân số của khu vực, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển chung cư hướng ra ngoài trung tâm và tạo điều kiện cho việc cải tạo, nâng cấp, cũng như tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp nâng tầm vị thế thị trường.
Theo bà Hằng, sự chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang dần thu hẹp nhờ những cải thiện về cơ sở hạ tầng như dự án Vành đai 3 mở rộng và Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các dự án cũng có nhiều tiện ích để bù đắp cho bất lợi về vị trí.
Với kế hoạch đưa các Huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm và Thanh Trì lên các Quận trung tâm trước năm 2025, những khu vực này sẽ trở thành những điểm đầu tư đáng chú ý.
Các dự án đều trì hoãn tiến độ
Savills cho hay, cập nhật đến giữa năm 2021, dự kiến sẽ không có dự án bất động sản nào thật sự tiềm năng đi vào vận hành vào cuối năm nay. Các dự án đều trì hoãn tiến độ thi công hoặc trì hoãn ngày khai trương thêm vài năm mặc dù đã hoàn thành xây dựng. Trong đó có khoảng 80% tổng nguồn cung này dự kiến ở khu vực ngoài trung tâm, và đa số là loại hình khối đế bán lẻ bao gồm phần diện tích nằm ở tầng 1 và tầng 2 của các dự án văn phòng, căn hộ với phân bổ khách thuê hạn chế ngành hàng.
Savills nhận định, tình hình chào thuê của 6 tháng đầu năm 2021 tương đối sôi nổi. Tuy nhiên, hoạt động giãn cách xã hội kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay đã khiến cho nhiều cửa hàng thi công xong nhưng không được khai trương, phải tiếp tục rơi vào thế bị động chờ cho đến khi Nhà nước cho phép các cửa hàng mua sắm hoạt động lại bình thường, làm ảnh hưởng đến kế hoạch bán hàng, hàng hóa tồn kho và đội ngũ nhân viên không được sử dụng nguồn lực.
“Dự kiến sau thời gian giãn cách xã hội này, các nhà bán lẻ sẽ mất ít nhất 3 tháng để các khu mua sắm dần phục hồi và mất ít nhất 1 năm để nhà bán lẻ và người tiêu dùng lấy lại niềm tin và cả thị trường hoạt động lại cân bằng ổn định, phục hồi trạng thái và mức doanh thu như năm 2019", bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ, Savills Việt Nam đánh giá.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận