Hút 1 điếu thuốc lá giảm 5,5 phút tuổi thọ, mỗi 6 giây có 1 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và TNGT… là những con số cảnh báo đáng giật mình!
Tỉ lệ người hút thuốc mắc ung thư phổi cao gấp 15 lần
Trao đổi với Báo Giao thông, Ths. BS. Nguyễn Thị Minh Thu, Phó trưởng phòng nghiệp vụ y dược và Trang thiết bị y tế (Cục Y tế GTVT), ngoài nicotin, trong thuốc lá còn chứa 7.000 hóa chất khác mà trong đó có những chất rất độc đối với cơ thể. Ít nhất có 69 chất có khả năng gây ung thư.
“Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ. Điều đó xuất phát từ việc thiếu các biện pháp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người”, BS. Thu nói.
Kết quả phân tích cho thấy, trong khói thuốc lá chứa trên 4000 hoá chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.
“Khi hút thuốc lá, khói thuốc qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch. Một trong những tác hại nguy hiểm nhất của thuốc lá là tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Các hóa chất trong khói thuốc lá có thể gây tổn thương tế bào trong phổi và những tế bào bị thương tổn này có thể trở thành tế bào ung thư. Nguy cơ bị ung thư phổi liên quan đến số lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc. Đặc biệt là các bệnh về ung thư phế quản phổi (chiếm 90%), ung thư vòm họng, miệng, thực quản (hút thuốc kèm theo uống rượu, nguy cơ ung thư vòm họng rất cao), ung thư ruột... Ở người hút thuốc, bệnh ung thư dễ phát triển hơn so với người không hút thuốc”, BS. Thu phân tích thêm.
Một công trình nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy, trên 80% ung thư phổi tại nước Anh trong năm 2010 là do hút thuốc. Hiện nay, những người hút thuốc tử vong vì ung thư phổi cao gấp 15 lần so với người không hút thuốc. Ngưng hút thuốc làm giảm nguy cơ bị ung thư phổi rất cao.
Hút thuốc thụ động cũng gây tác hại cho mọi người, đặc biệt cho em bé và trẻ em. Những đối tượng này có nguy cơ cao về nhiễm trùng đường hô hấp, bị hen suyễn, ho dai dẳng và viêm tai giữa. Theo thống kê, hàng năm trên thế giới có khoảng 600.000 người tử vong do hút thuốc thụ động.
Giảm chi phí hàng năm nhờ bỏ thuốc lá
Theo WHO, bỏ thuốc lá sẽ làm giảm tỉ lệ hỏa hoạn. Bởi trong thực tế những người hút thuốc làm tăng mức rủi ro cháy nhà của họ cao gấp 6 lần so với người không hút thuốc. Đồng thời cũng giảm được hiện tượng cháy rừng, giảm được các chất gây ra hiệu ứng nhà kín và trên 4.000 loại hóa chất khác nhau có trong thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm chi phí bỏ ra của người nghiện thuốc là rất lớn, bên cạnh việc bỏ tiền ra để mua thuốc lá về hút thì còn có các chi phí khác như tiền cho ngành bảo hiểm, y tế.
Vài ngày sau khi bạn bỏ thuốc, các chất nicotin trong tuần hoàn máu sẽ bị loại bỏ, điều này khiến dòng chảy opioid trong não trở về bình thường. Khi bạn vượt qua các cảm giác thèm thuốc, não bộ sẽ không dựa vào hóa chất này và kiểm soát khả năng hút thuốc.
Đối với phổi, có xu hướng tái tạo khá nhanh chóng. Ngay sau khi bạn dừng hút thuốc, đường hô hấp bắt đầu giảm viêm, các lông mao hoạt động trở lại bình thường. Chúng làm sạch hệ thống, bắt đầu tái tạo lá phổi và có thể trở lại chức năng bình thường trong một vài tháng bỏ thuốc. Theo tạp chí Time, thông thường sau khi dừng hút thuốc, mọi người sẽ bị ho nhiều hơn, đó chính là quá trình tự làm sạch của phổi.
Đối với tim mạch, ngay thời điểm bạn dừng hút thuốc, tim và các mạch máu bắt đầu cải thiện, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Làn da là nơi phản ánh lối sống và những gì bạn ăn uống. Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng đến làn da như: Tăng nguy cơ mắc bệnh chàm, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Các độc tố có hại trong thuốc lá như: Carbon monoxide, formaldehyde, hydrogen cyanide, ammonia, thủy ngân, chì và cadmium xâm nhập vào cơ thể gây hạn chế lưu lượng máu đến da, phá vỡ cấu trúc đàn hồi của da như collagen và elastin. Vì vậy, người hút thuốc thường có nhiều nếp nhăn.
“Mặc dù một số tổn thương da là vĩnh viễn, nhưng dừng hút thuốc sẽ giúp cải thiện lưu thông máu và giữ ẩm làn da, giúp da trở nên trẻ trung hơn, đặc biệt khi kết hợp với uống nhiều nước. Bên cạnh đó, bỏ thuốc còn giúp làm chậm quá trình tạo nếp nhăn khi các độc tố bị loại ra khỏi cơ thể. Các quầng thâm dưới mắt dần biến mất, chu kỳ giấc ngủ cũng được cải thiện sau khi bạn bỏ thuốc”, Tổ chức Y tế thế giới (Who) khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận