HLV Hữu Thắng |
HLV Hữu Thắng khẳng định anh muốn xây dựng lối chơi cho ĐTVN giống những gì Pep Guardiola đã làm ở Barcelona và đang làm ở Bayern Munich. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này chắc chắn không dễ dàng.
Thiếu thống nhất
Ngay từ những ngày đầu tiên nắm ĐTVN, HLV Hữu Thắng không ngần ngại khẳng định anh sẽ xây dựng lối chơi bóng ngắn, kỹ thuật cho các học trò. Hướng đi của cựu đội trưởng ĐTQG đã đánh trúng tâm lý của người hâm mộ Việt Nam, vốn yêu bóng đá đẹp. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, không chỉ cần một mình HLV Hữu Thắng vào cuộc.
Ở những nước có nền bóng đá phát triển, từ các tuyến trẻ tới đội tuyển cần có một định hướng chung về mặt lối chơi. Điều này giúp cầu thủ dễ dàng thích nghi dù thi đấu ở mức độ cao hơn. Đồng thời, cầu thủ kết dính với nhau nhanh hơn nhờ chung một mẫu số. Tại Đông Nam Á, Thái Lan đã và đang làm rất tốt việc định hướng lối chơi. Chính vì thế, các đội tuyển xứ chùa Vàng dù ở cấp độ nào cũng chơi kỹ thuật, đẹp mắt và rất hiệu quả.
Ngược lại, lối chơi của các đội tuyển bóng đá Việt Nam lại thay đổi xoành xoạch, thiếu nhất quán. Việc mỗi đội tuyển ở mỗi độ tuổi khác nhau chơi theo phong cách khác nhau là chuyện bình thường. Không phải bỗng dưng nhiều cầu thủ trẻ của chúng ta được đánh giá xuất sắc nhưng càng lên cao tài năng lại càng trồi sụt. Việc bị vứt vào một môi trường xa lạ khiến nhiều cầu thủ không kịp thích nghi và dĩ nhiên bị đào thải. Chẳng nói đâu xa, ngay như thời HLV Miura, các cầu thủ U19 Việt Nam (lứa Công Phượng) để lại quá ít dấu ấn ở đội tuyển vì ông thầy người Nhật ưa dùng lối đá thiên về sức mạnh, tranh chấp và bóng dài.
Ở khía cạnh khác, các CLB tại Việt Nam đa phần chưa có ý thức xây dựng một hệ thống đào tạo trẻ bài bản. Cách làm này dẫn tới việc đại đa số cầu thủ thiếu nền tảng kỹ, chiến thuật. Lâu nay, chúng ta vẫn lầm tưởng cầu thủ Việt Nam khéo léo, kỹ thuật nhưng thực chất đó chỉ là bề nổi. Minh chứng là việc các pha phạm lỗi dù không ác ý nhưng vô tình trở nên thô bạo ở V-League nhiều không đếm nổi. Nếu xây dựng lối chơi có chiều sâu như tiki-taka, đòi hỏi cầu thủ phải có nền tảng cực tốt. Thời điểm này, ngoài nhóm cầu thủ HAGL, không nhiều cái tên đáp ứng được yêu cầu trên.
Bên cạnh đó, một đội tuyển muốn mạnh phải xuất phát từ giải vô địch quốc gia mạnh. Thế nhưng, hãy nhìn V-League hiện nay, liệu ai dám chắc nó sẽ tạo ra những “sản phẩm” tốt nhất để đóng góp cho ĐTQG.
Thiếu thời gian
Sau hai trận giao hữu với Hà Nội T&T và T.Quảng Ninh, HLV Hữu Thắng nói mình cần thêm thời gian để xây dựng lối chơi cho đội tuyển.
Dẫu vậy, khi ngồi ghế nóng ở ĐTVN, thời gian là thứ khá xa xỉ. VFF chỉ ký hợp đồng hai năm với cựu thuyền trưởng SLNA dù chính những người đứng đầu tổ chức này đều hết lời ca ngợi Hữu Thắng. Thông điệp rõ ràng là phải thành công ngay lập tức hoặc ra đi. Vì thế, khi chân ướt chân ráo lên tuyển, HLV Hữu Thắng đã bị “dúi” vào tay mục tiêu HCV SEA Games 29, vào chung kết AFF Cup 2016.
Từ nay cho tới AFF Cup 2016 còn chưa đầy một năm, trong khi HLV Hữu Thắng sẽ có hơn một năm để chuẩn bị cho SEA Games 29. Nghe qua có vẻ dài nhưng thực tế quãng thời gian này là quá ít ỏi để vừa đòi hỏi một lối chơi bản sắc, vừa đòi hỏi thành tích cao cho đội tuyển. Sau hai năm, nếu không thể hoàn thành mục tiêu, liệu HLV Hữu Thắng có được giữ lại?
Một HLV tài năng cỡ Jose Mourinho cũng luôn phải mất một mùa giải gây dựng mới thành công ở một CLB nhất định, dù trong tay ông đa phần là cầu thủ đẳng cấp thế giới. Vậy cơ sở nào để VFF yêu cầu HLV Hữu Thắng biến một đội tuyển đang hoàn toàn mất phương hướng, nền tảng yếu thành công ngay lập tức. Bản thân nhà cầm quân quê Hà Tĩnh cũng ý thức được áp lực mà mình phải gánh khi nói rằng: “Tôi không phải là thánh để vừa ngồi vào là xoay chuyển được thành tích của đội tuyển”.
Trong kế hoạch nâng tầm, đưa bóng đá Việt Nam đi lên, hơn lúc nào hết, HLV Hữu Thắng cần sự chung tay của cả nền bóng đá, mà đi đầu là VFF. Nếu tổ chức này vẫn giữ tư tưởng ăn xổi, hướng tới mục tiêu gần, thích đập đi xây lại, có 10 Hữu Thắng chắc cũng phải bó tay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận