Thị trường

Huỷ 10.030 tỷ trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Quyền lợi nhà đầu tư ra sao?

05/04/2022, 15:08

Luật sư phân tích vụ huỷ 9 lô trái phiếu trị giá 10.030 tỷ của Tân Hoàng Minh gây rúng động thị trường; Quyền lợi nhà đầu tư ra sao?

Tân Hoàng Minh bị xử phạt thế nào?

Vụ việc Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ngày 3/4 đã ra quyết định huỷ bỏ 9 lô trái phiếu trị giá 10.030 tỷ đồng của các công ty thuộc Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã gây rúng động thị trường.

img

8 triệu trái phiếu SOLEIL phát hành quý 3/2021, lãi suất 11,75%/năm, được Tập đoàn Tân Hoàng Minh bảo lãnh

Lý do 9 lô trái phiếu bị huỷ phát hành là các công ty trên có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ trái phiếu.

UBCK cũng đã yêu cầu các tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm dừng chuyển quyền sở hữu các trái phiếu của 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trao đổi với Báo Giao thông về vụ việc này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế (VIAC), cho biết theo quy định tại các khoản 6 và 9, Điều 8 về “Vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ”, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 128/2021/NĐ-CP: “Hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật” có thể bị phạt tiền từ 400–500 triệu đồng.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng dẫn theo quy định tại các khoản 5, 5a, 5b và 6, Điều 42 về “Vi phạm quy định về công bố thông tin”, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP: “Hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” sẽ bị phạt tiền từ 200 đến 300 triệu đồng. Và biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc huỷ bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm”.

Cùng với đó, quy định cũng nêu: “Người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét xử lý” khi phát hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 42.

UBCK có được huỷ trái phiếu đã phát hành?

Khi ra quyết định huỷ 9 lô trái phiếu nói trên, UBCK cho biết đã căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

img

Các đơn vị tham gia đợt phát hành 8 triệu trái phiếu SOLEIL phát hành quý 3/2021 là Chứng khoán An Bình, Ngân hàng SHB, Kiểm toán Nam Việt và Thẩm định giá Thành Đô

Tuy nhiên, theo phân tích của Trọng tài viên VIAC Trương Thanh Đức, nếu muốn huỷ bỏ trái phiếu phát hành phải đáp ứng một số điều kiện.

Cụ thể, ông Đức phân tích, hành vi “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, cụ thể là trong việc phát hành trái phiếu, nếu không cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 109, Bộ luật Hình sự năm 2015, thì không thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp bị đình chỉ chào bán chứng khoán theo quy định tại khoản 1, Điều 27 về “Đình chỉ chào bán chứng khoán ra công chúng”, và cũng không thuộc trường hợp nào trong số 3 điều kiện huỷ bỏ chào bán theo quy định tại khoản 1, Điều 28 về “Hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng” quy định trong Luật Chứng khoán năm 2019.

Còn chiếu theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 “Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết cũng không quy định nào về việc huỷ bỏ phát hành trái phiếu.

“Trường hợp này, muốn huỷ bỏ việc phát hành thì phải theo bản án hay quyết định của Toà án hoặc Trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 27 Bộ luật Hình sự nêu trên”, luật sư Đức nói.

Trong trường hợp trái phiếu bị huỷ, Luật sư Trương Thanh Đức dẫn quy định tại khoản 3, Điều 28, Luật Chứng khoán, cho biết trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành;

Đồng thời, tổ chức phát hành phải hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ.

“Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư”, luật sư Đức cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.