Xã hội

Hủy 2 bản án, điều tra lại vụ Innova lùi trên cao tốc

30/11/2018, 11:36

Phiên giám đốc thẩm vụ container đâm Innova lùi trên cao tốc tuyên hủy 2 bản án tòa đã tuyên để điều tra lại.

hien-truong

Hiện trường vụ tai nạn xe container đâm xe Innova lùi trên cao tốc làm 4 người tử vong

Trưa 30/11, xác nhận với Báo Giao thông, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Phạm Văn Hà cho biết, liên quan vụ container đâm Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Ủy ban Thẩm phán của TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy 2 bản án của Toà Thái Nguyên trong phiên giám đốc thẩm diễn ra sáng cùng ngày.

Cụ thể, Uỷ ban thẩm phán của TAND Cấp cao tại Hà Nội đã họp và thống nhất chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm, tuyên huỷ 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của 2 cấp toà Thái Nguyên đã tuyên để trả hồ sơ, điều tra lại vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này.

Theo quy định, nếu Uỷ ban Thẩm phán chấp thuận kháng nghị huỷ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì sẽ giao Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra bổ sung vụ án này. Sau khi có kết luận điều tra bổ sung thì Toà án tiến hành xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Theo bản kháng nghị của TAND Cấp cao tại Hà Nội, có nhiều lý do được đưa ra và nhiều nội dung, tình tiết cần được làm rõ.

Cụ thể, với tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định lỗi vi phạm của Hoàng là do không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật trên đường và không đảm bảo khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, để có đủ căn cứ pháp lý cũng như khoa học nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về hành vi vi phạm của Lê Ngọc Hoàng, TAND cấp cao cho rằng cần phải làm rõ nhiều vấn đề.

Trước hết, làm rõ điểm va chạm đầu tiên của xe container và xe Innova trên sơ đồ hiện trường. Đây là căn cứ quan trọng để xác định khoảng cách giữa hai xe trước khi va chạm, khoảng cách giữa hai xe thời điểm Lê Ngọc Hoàng nhấn phanh, nhằm xác định mức độ lỗi các bên.

Tiếp đó, làm rõ thời điểm xe container mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường. Nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì? Có phải khi thiết bị bị mất nguồn điện thì dữ liệu thể hiện mặc định bằng 0km/h? Theo kết luận giám định số 5902/C54-P6 ngày 19/1/2017 của Viện KHHS Bộ Công an thì thời gian mất dữ liệu của bộ thiết bị giám sát hành trình là 52 giây.

Giả sử thời điểm mất tín hiệu là thời điểm xe container và xe Innova đâm va, thì theo phân tích khoa học, khoảng thời gian mất dữ liệu 52 giây tốc độ của xe container là bao nhiêu?.

Lấy lời khai của Lê Ngọc Hoàng kết hợp với các dấu vết trên sơ đồ hiện trường, bảng dữ liệu về tốc độ để xác định còn cách xe Innova khoảng bao nhiêu mét thì Hoàng mới rà phanh, định chuyển hướng làn đường? Trước khi chuyển hướng làn đường Hoàng có xi nhan chuyển làn hay không? Khi Hoàng nhấn phanh chết thì khoảng cách từ xe ô tô container và đuôi xe Innova là bao nhiêu mét?

Ngoài ra, làm rõ với tốc độ của xe container, trọng lượng xe và khối lượng hàng chở trên xe, khi Lê Ngọc Hoàng nhấn phanh chết thì xe còn di chuyển bao nhiêu mét nữa mới dừng hẳn lại? Xác định tình trạng kỹ thuật của hệ thống phanh xe đầu kéo và rơ mooc.

Tại Kết luận giám định số 5867/C45-P2 ngày 20/2/2018 của Viện KHHS Bộ Công an đã kết luận: Sau khi kiểm tra hộp số và hệ thống truyền lực của xe Innova, kết luận tại thời điểm xảy ra tai nạn xe ô tô đang hoạt động ở trạng thái số lùi. Tuy nhiên, bản kết luận chưa làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, chưa xác định được khi xe Innova bắt đầu lùi thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường và lùi được bao nhiêu thời gian thì bị đâm? Khi bị đâm xe Innova đang ở làn đường nào, và vị trí của xe so với chiều của làn đường là thẳng hay hơi chếch?.

Theo sơ đồ hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên lan can bên phải đường có vết trượt kim loại, chiều dài 33,3m, rộng 0,8m. CQĐT chưa giám định xem vết trượt này do cọ xát với vật thể nào gây ra? Có thể do các thanh sắt trên xe container (như lời khai của Hoàng) hay do cọ xát với đầu xe Innova tạo nên? Đây là chứng cứ quan trọng bổ sung thêm căn cứ để xác định điểm va chạm của hai xe trên mặt đường.

TAND Cấp cao cũng yêu cầu làm rõ đối với các phương tiện chạy trên cao tốc (quy định rõ tốc độ tối đa và tối thiểu), nếu thuộc các trường hợp phải giảm tốc độ theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 91, thì người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ đến mức có thể dừng lại một cách an toàn (có thể dưới tốc độ tối thiểu) hay phải giảm tốc độ nhưng phải đảm bảo không thấp hơn tốc độ tối thiểu?.

Theo TAND cấp cao, trên cơ sở các điều tra xác minh làm rõ các vấn đề nêu trên mới có đủ căn cứ giải quyết vụ án được chính xác.

TAND tỉnh Thái Nguyên trong phiên xét xử phúc thẩm ngày 2/11 vừa qua đã quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm án cho bị cáo Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Toyota Innova) từ 10 năm tù xuống còn 9 năm tù; bị cáo Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) từ 8 năm tù xuống còn 6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. 

Tuy nhiên, sau khi bản án được tuyên đã gây rất nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia về pháp luật cho rằng việc kết tội tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng là chưa đủ căn cứ pháp luật.

Theo truy tố, vào sáng 19/11/2016, Sơn điều khiển chiếc xe Toyota Innova mang BKS 99A - 142.53 chở theo 10 khách đi từ Bắc Ninh lên TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) để ăn cưới. Chiều cùng ngày, Sơn lùi xe trên cao tốc theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội để đi ra nút giao Yên Định (do nhầm đường) thì bị chiếc xe đầu kéo mang BKS 89C -079.17 kéo theo rơmoóc mang BKS 89R - 004.65 do Hoàng điều khiển tông trúng. Vụ tai nạn khiến 4 người tử vong và 6 người khác bị thương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.